10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới: ‘Bức tranh’ nhiều gam màu sáng

17/10/2019 - 19:56
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ LĐ,TB&XH và TƯ Hội LHPN Việt Nam. Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung và Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì Hội nghị và Lễ ký kết.

Hội nghị đã nghe nhiều báo cáo, nhiều bài tham luận xung quanh quá trình 10 năm thực thi Luật Bình đẳng giới (BĐG) với nhiều thành tựu. Nhiều đại biểu tham dự chương trình cùng chung nhận xét, sau 10 năm thực hiện Luật BĐG, chúng ta đã xây dựng được một “bức tranh” về BĐG với nhiều gam màu sáng.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam )

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 10 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xây dựng tương đối đồng bộ các cơ sở pháp lý, từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng tăng cường thực thi trách nhiệm lồng ghép giới vào tất cả các văn bản pháp luật, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào chính trị, trao quyền cho phụ nữ.

10 năm qua, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên TƯ Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007-2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.

 

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu dự Hội nghị

 

Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân; xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình, xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính... 

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, trong 5 năm (2014 - 2018), TƯ Hội LHPN Việt Nam tham gia 78 Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các cấp Hội đã tổ chức 21.742 cuộc đối thoại, 21.832 cuộc phản biện xã hội. Trong 10 năm, có 63 luật, 03 pháp lệnh, 03 Nghị quyết được thông qua có tiếp thu ý kiến phản biện của Hội về phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới.

Ngay từ khi Luật BĐG được ban hành, TƯ Hội LHPNVN đã biên soạn Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục về Luật BĐG gồm: Sổ tay tuyên truyền luật BĐG dành cho báo cáo viên (2.000 cuốn), Hỏi và đáp về Luật BĐG (6.500 cuốn), 46.000 tờ gấp về BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình dành cho các nhóm đối tượng khác; 10.000 Bản tin pháp luật với chủ đề “Tìm hiểu về Luật BĐG” (phát miễn phí cho 63 tỉnh/thành phố, 03 đơn vị trực thuộc và các Ban, đơn vị TƯ Hội); Phát hành tài liệu cẩm nang dành cho cán bộ Hội gồm “Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành” (2.000 cuốn); “Quyền và trách nhiệm thực hiện Luật BĐG của Hội LHPN Việt Nam” (2.000 cuốn) và 02 tập sách “Hướng dẫn kỹ năng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BĐG” (4.000 cuốn).

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét, quan tâm và làm rõ, đặc biệt là có nhiều chỉ số BĐG bị giảm nhiều bậc so với trước. Như vậy câu chuyện tổng kết 10 năm thi hành Luật BĐG đặt ra rất nhiều vấn đề, liệu sắp tới chúng ta có sửa luật này không? Và sửa thì sửa theo hướng như thế nào?

 

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị.

 

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng bày tỏ về công tác thực hiện Luật BĐG ở nhiều địa phương chưa thật sự tốt. Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà lấy ví dụ, có nhiều quy định rất nhân văn như Nghị định 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng quy định nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những đóng góp của Hội LHPNVN trong quá trình thực thi Luật BĐG, Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Đánh giá cao mô hình hoạt động của Nhà tạm lánh, Ngôi nhà bình yên mà Hội LHPNVN đã xây dựng.

“Tôi mong muốn một ngày nào đó, chính nhà của Chủ tịch UBND, Trưởng công an địa phương sẽ là nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo hành, là điểm tiếp nhận ban đầu cho nạn nhân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

* Cũng trong chiều 17/10, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH và Chủ tịch Hội LHPNVN đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai ngành. Theo đó, trong thời gian tới, giữa Bộ LĐ,TB&XH và TƯ Hội LHPNVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các nội dung chính sau: Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; Công tác xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phụ nữ, trẻ em và BĐG; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em góp phần thực hiện mục tiêu BĐG và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai bên; Các hoạt động hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH và Chủ tịch Hội LHPNVN ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai ngành

 

Phát biểu lại Lễ ký kết, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, mối quan hệ, phối hợp giữa hai cơ quan có truyền thống từ lâu. Hai bên luôn có sự phối hợp trong các hoạt động, Lễ ký kết sẽ nâng tầm mối quan hệ đó thêm một bước mới. Hai ngành sẽ tiếp tục phối hợp về BĐG, về sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, về sự phát triển của toàn dân. Cụ thể là:

- Tổ chức các hoạt động thiết thực nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về công tác phụ nữ, trẻ em và BĐG. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em, về BĐG.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung. tham mưu ban hành mới các quy định của pháp luật đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng cho cả 2 giới như pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bình đẳng giới, chính sách liên quan đến xóa đói, giảm nghèo…

- Chú trọng đề xuất, xây dựng các mô hình hỗ trợ, bảo vệ quyền trẻ em và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Phối hợp nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh, thân thiện, an toàn cho phụ nữ, trẻ em. 

* Trong dịp này, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên, các Phó Chủ tịch: Nguyễn Thị Tuyết, Bùi Thị Hòa, Đỗ Thị Thu Thảo và một số Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN đã được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội cho các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN (từ trái sang): Bà Nguyễn Hải Vân (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LHPNVN), bà Nguyễn Thị Thục Hạnh (Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam), bà Phạm Thị Hương Giang (Giám đốc Trung tâm Phụ nữ & Phát triển)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm