4 cô giáo quên mình cứu trẻ mầm non trong lũ
Trong cơn hoảng loạn vì lũ đổ về, các cô giáo trường mẫu giáo An Hiệp (Phú Yên) vội đưa 15 bé 3-5 tuổi lên nóc tủ hồ sơ, đu lên bệ cửa sổ và đội lên vai mình.
Trong cơn hoảng loạn vì lũ đổ về, các cô giáo trường mẫu giáo An Hiệp (Phú Yên) vội đưa 15 bé 3-5 tuổi lên nóc tủ hồ sơ, đu lên bệ cửa sổ và đội lên vai mình.
(Từ trái qua) 4 cô giáo mầm non: Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Sáng 13/12, do trời mưa rất to, có 30 em (trong sĩ số 35) đến lớp. 12h, mưa càng to, nước bắt đầu lớn nên hai giáo viên chủ nhiệm là cô Thái Thị Tuyết Hồng và Lê Thị Kim Hằng gọi điện báo cho phụ huynh đón các bé về.
Khi phụ huynh chưa kịp đón các cháu về hết thì nước đã lớn rất nhanh, 2 cô chủ nhiệm cùng cô hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đã ẵm nhóm trẻ đến trên bệ cửa sổ.
Nước càng ngày càng dâng lên cao, các bé lại đu cao hơn. 4 cô giáo ngâm mình trong nước, đưa một số bé lên nóc tủ sắt (cao 1,8 m) đựng hồ sơ, vài em khác được đội trên vai mình.
Thanh niên dùng phao để đưa các cháu ở trường mầm non ra ngoài |
Đến gần 15h, một số người trong xã mới bơi vượt dòng lũ xoáy vào trường cứu các cháu nhỏ.
Trước hành động dũng cảm, không ngại nguy hiểm, ngày 15/12, 4 cô giáo và những người tham gia cứu các bé được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. Ngoài ra, các cô cũng được TƯ Hội LHPNVN và Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen.
Mẹ từ chối trị ung thư để con chào đời
Chị Đậu Thị Huyền Trâm (chiến sĩ công an 25 tuổi ở Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) từ chối chữa trị cho mình và tự nhủ: "Mình sẽ cầm cự đủ lâu để con ra đời". Chị đã làm đúng như vậy.
Khi mầm sống bắt đầu cựa quậy trong người thì chị Trâm phát hiện mình bị ung thư. Bác sĩ tư vấn chị nên đình chỉ thai để được an toàn, nhưng chị Trâm vẫn kiên quyết không điều trị để mong 'giọt máu' của mình được lớn từng ngày.
Chị Đậu Thị Huyền Trâm (chiến sĩ công an 25 tuổi ở Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) |
Ngày 10/7, sức khỏe của chị Trâm suy sụp hẳn, các bác sĩ ở Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) tiên lượng không thể kéo dài tình trạng mang thai lâu hơn nữa. Khi đó, chị Trâm mang thai được 29 tuần tuổi.
Sau 30 phút phẫu thuật, con chị Trâm chào đời nặng 1,2kg và được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trong lồng kính.
Huyền Trâm tự nhủ: "Mình sẽ cầm cự đủ lâu để con ra đời" |
Sau nhiều ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện K Trung ương, Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã mất vào lúc hơn 14h chiều 27/7. Trước khi mất, Trâm đã được gặp con trai là bé Gấu suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Các bác sỹ đã cho chị sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để gặp con. Trâm cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn thấy con trai, nhìn thấy sự hi sinh của mình có kết quả xứng đáng.
Phút giây Đậu Thị Huyền Trâm gặp con trai
Người vợ 11 năm kêu oan cho chồng
Phút giây Đậu Thị Huyền Trâm gặp con trai
Người vợ 11 năm kêu oan cho chồng
Ngày 20/12, tử tù Hàn Đức Long - người trong 11 năm qua bị tòa án 4 lần tuyên tử hình - đã được trở về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình và cá nhân ông Long. Để có được kết quả này, người vợ của ông đã mòn mỏi 11 năm đi kêu oan cho chồng.
Để tiện việc gửi đơn kêu oan cho chồng, dù sức yếu, bà Mai cùng con trai út là Hàn Đức Trọng đã bỏ quê Bắc Giang lên Hà Nội làm phụ hồ.
Khi ông Long bị bắt, con gái lớn 16 tuổi, con trai 15 tuổi. Bà Mai kể hơn 11 năm qua, mẹ con bà không chỉ phải chịu đắng cay, nhọc nhằn kiếm tiền đi kêu oan mà còn phải chịu sự dè bỉu của người đời.
Do sức còn yếu nên ông Hàn Đức Long không thể ngồi nói chuyện được lâu, vợ ông là bà Mai phải thường xuyên túc trực chăm sóc (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
“Tôi chịu nhục bao nhiêu cũng được nhưng tôi thấy có lỗi nhất là các con đi học cũng bị bạn bè cười chê. Thằng con út vì xấu hổ quá nên phải nghỉ học ở nhà, đứa con lớn thì phải vào tận miền Trung bế con thuê cho người ta” - bà Mai kể.
Ngày cưới con gái, để con được bằng chị bằng em, bà Mai lấy hình cũ của ông Long mang ra tiệm nhờ người ta ghép vào ảnh cưới cho đầy đủ gia đình.
“Mỗi lần vợ đến thăm, tôi luôn động viên bà ấy phải giữ gìn sức khỏe chờ ngày tôi được minh oan. Tôi luôn tin rằng mình sẽ được minh oan nhưng tôi không nghĩ nó lại lâu đến vậy. Tôi mang ơn, mắc nợ vợ tôi nhiều lắm, cuộc đời này tôi biết ơn bà ấy. Những tháng ngày sắp tới tôi sẽ tìm cách bù đắp cho vợ và con cháu vì tôi mà họ phải chịu quá nhiều thiệt thòi” - ông Long nói.
Ông Hàn Đức Long bị từng bị kết án về tội hiếp dâm và giết cháu bé ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang năm 2005. Trong 11 năm qua, trải qua hai phiên tòa sơ thẩm, hai phiên tòa phúc thẩm, Hàn Đức Long bị kết án tử hình.
Trong lần giám đốc thẩm vụ án lần hai năm 2014, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra làm rõ 6 vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án.
Đến 20/12/2016, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Long.
Mẹ và con gái tự nguyện hiến thận cho y học
Bà Lê Thị Thảo và con gái Bùi Thị Hoà, những người tình nguyện hiến một quả thận cho những người bệnh. (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
Bà Lê Thị Thảo (56 tuổi ở Lương Tài, Bắc Ninh) là người thứ 3 ở Việt Nam đăng ký và đã hiến tặng thận cho một người vô danh không quen biết năm 2015.
Một năm sau, đầu năm 2016, con gái thứ hai của bà Thảo là Bùi Thị Hòa cũng nối gót mẹ hiến tặng một quả thận của mình.
Chuyện mẹ con bà Thảo cùng đi hiến tặng thận bắt đầu từ một buổi tuyên truyền hiến giác mạc cho những người mù, do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép mô tạng và Bệnh viện mắt TƯ tổ chức. Hôm ấy bà Thảo đã ký đơn tình nguyện hiến tạng sau khi chết não.
Nhưng tình cờ cuối năm 2014, bà được mời tham gia một hội thảo ở Đồ Sơn, Hải Phòng, về ý nghĩa của việc hiến tặng tạng, bà được tặng một cuốn cẩm nang và được biết có thể hiến tạng từ khi còn sống.
Bà Thảo đã quyết định hiến một phần thân thể của mình cho những người đang ốm, bị bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng. Yêu cầu của bà chỉ là người được ghép phải là người nghèo. Bà đã phải đi lại hơn 10 lần ra Bệnh viện Việt Đức làm các xét nghiệm để hiến tặng.
Bà Thảo đã quyết định hiến một phần thân thể của mình cho những người đang ốm, bị bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng. Yêu cầu của bà chỉ là người được ghép phải là người nghèo. Bà đã phải đi lại hơn 10 lần ra Bệnh viện Việt Đức làm các xét nghiệm để hiến tặng.
Sau khi mẹ hiến thận một thời gian, con gái bà Thảo là Bùi Thị Hòa cũng đã làm như mẹ: hiến một quả thận cho người nghèo. Hòa đã học xong đại học, cô nảy sinh ý định hiến thận khi ra Hà Nội chăm sóc mẹ nằm viện sau khi hiến thận. Tháng 3/2016 ca hiến thân được tiến hành mặc dù Bùi Thị Hòa chưa có gia đình.
Nữ sinh lớp 10 bị cưa chân do tắc trách của bệnh viện
Trưa 6/3, trên đường đi học về, Lê Thị Hà Vi (SN 2000, ở thôn 3, xã Ea B’Hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk) bị tai nạn giao thông ngã xuống đường. Sau khi người gây tai nạn bỏ chạy, người dân đã đưa Vi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.
Lê Thị Hà Vi nhiều lần bật khóc khi nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế (Nguồn: Thanh Niên) |
Sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi kêu bó bột chật quá, kêu gào đau đớn và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ, không cần chuyển viện.
Suốt những ngày sau đó, bệnh viện hầu như không có động thái xem xét kỹ lưỡng vết thương, đến ngày 11/3 nơi này mới cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chân Vi đã hoại tử. Chiều cùng ngày, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải do hoại tử.
Tuy bị cưa đi một chân nhưng nữ sinh 16 tuổi vẫn khá lạc quan (Nguồn: Thanh Niên) |
Tuy bị cưa đi một chân nhưng nữ sinh 16 tuổi vẫn khá lạc quan. Nghị lực mạnh mẽ của Vi khiến nhiều người khâm phục. Chia sẻ trên trang cá nhân, em viết: “Chỉ là số phận trớ trêu... Đâu ai lường trước được điều gì. Bây giờ con chỉ muốn mẹ vui vẻ, khỏe mạnh để chăm sóc cho con. Mẹ vui ba vui thì con mới vui được. Nên mẹ đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa. Mẹ phải lạc quan lên như con này”.
Đám cưới không chú rể của cô gái 18 tuổi
Tháng 5/2016, cô dâu trẻ Nguyễn Trần Anh Thư (SN 1998, xã Rạch Kiến, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lên xe hoa về nhà chồng trong khi chú rể của cô... đã ở thế giới bên kia. Câu chuyện tình yêu cảm động đã làm lay động hàng triệu trái tim.
Bức ảnh cưới được ghép hình của Thư và chồng |
Đám cưới của Thư diễn ra hôm 22/5 trước sự chúc phúc của 2 họ và bạn bè. Trên facebook của mình, cô dâu chia sẻ "Ngày mai nữa thôi, em sẽ về ở cùng anh rồi. Anh vui lên nhé", kèm theo đó là tấm ảnh cưới được ghép hình giữa cô và người chồng đã khuất.
Thư được mẹ trao của hồi môn trước khi về nhà chồng |
Trước đó 1 tháng, anh Tài đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, được về nhà 1 ngày để khám sức khỏe ở tỉnh đội Long An. Chiều hôm đó, trên đường qua đón người yêu, anh Tài không may gặp tai nạn và qua đời. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là anh hết nghĩa vụ quân sự và họ có kế hoạch tổ chức đám cưới ngay sau đó.
Thư đã thuê nhiếp ảnh để làm một bộ ảnh cưới của hai người - điều mà họ chưa kịp thực hiện khi anh Tài còn sống. Sau đám cưới, Thư đã về bên nhà anh Tài sống để tiện bề chăm sóc cho bố mẹ anh và chờ ngày chào đón đứa con - kết quả tình yêu của 2 người chào đời.
Trao đổi về quyết định của con gái mình, ông Nguyễn Thanh Bình (ba của Anh Thư) chia sẻ: “Từ ngày thằng Tài mất, cái Thư cứ như người mất hồn. Nó cứ khóc rồi ngất lên ngất xuống khiến gia đình tôi khá lo lắng. Sau đó, thấy con quyết tâm tổ chức đám cưới nên gia đình tôi cũng đồng ý vì đó là ước hẹn của hai đứa. Nhiều người cũng dị nghị nhưng tôi tin con gái mình, tôi đồng tình để con làm những điều hạnh phúc với nó”.