pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
10 sự kiện/hoạt động nổi bật của Hội LHPN Việt Nam năm 2023
1. Các hoạt động giáo dục truyền thống được tổ chức sâu rộng trong các cấp Hội
Hoạt động giáo dục truyền thống được các cấp Hội đẩy mạnh trong các sự kiện, ngày lễ của đất nước, của địa phương và của Hội. Điểm mới trong các hoạt động giáo dục truyền thống đó là thay đổi cách tiếp cận và hình thức giáo dục như:
- Chuỗi hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Hội LHPN Khu 5. Danh hiệu là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là vinh dự to lớn đối với các thế hệ phụ nữ Khu 5. Đây cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, khích lệ lớn lao đối với phụ nữ Việt Nam nói chung và với cán bộ, hội viên nói riêng;
- Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Thập với nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở tiêu biểu cụm Tây Nam Bộ năm 2023; trao học bổng cho trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu"; thăm và tặng quà gia đình chính sách; viếng Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Tiền Giang và viếng mộ đồng chí Nguyễn Thị Thập…
- Các hoạt động tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Hội LHPN các nước bạn (Lào, Cuba);
- Tổ chức Triển lãm "Khát vọng hòa bình";
- Chương trình trải nghiệm "Huyền thoại tuổi thanh xuân" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam;
- Hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng của Hội LHPN các địa phương...
2. Chuỗi hoạt động về công tác cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách cho các nhóm phụ nữ đặc thù chuẩn bị sơ kết 05 năm Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới
Nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW 5 năm qua, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức thành công chuyên đề công tác cán bộ nữ với Tọa đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới" do đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư, Trưởng Ban Tổ chức TW, chủ trì (ngày 11/3); 3 hội thảo khu vực "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" do các đồng chí Ủy viên BCH TW Đảng chủ trì.
Sự kiện đã có tác động, ảnh hưởng rộng rãi tới lãnh đạo các ban, bộ, ngành TW và Thường trực tỉnh/thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời khẳng định sự cam kết của các cấp ủy đảng về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.
3. Tổ chức lấy ý kiến của phụ nữ và nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các cấp Hội LHPN với nhiều hình thức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ, nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): tổ chức hội thảo tham vấn tại TW (ngày 2/3) và tại các địa phương, thông qua phiếu khảo sát Google form liên quan đến một số vấn đề trong dự thảo với 37.325 lượt tham gia ý kiến khảo sát, 82% là nữ giới, 18% là nam giới, các cấp Hội đã tổ chức 26.781 cuộc hội nghị, hội thảo, nhận được 2.348.965 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.
Nhiều vấn đề về bình đẳng giới được phụ nữ và nhân dân quan tâm đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Luật đã được Hội gửi đến tổng hợp, góp ý đến cơ quan chức năng.
4. Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023
Với 2.024 Dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia dự thi, Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa có số lượng dự án tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021.
Tại lễ trao giải chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023 diễn ra ngày 14/10, Hội LHPN Việt Nam đã lần đầu tiên được đón Thủ tướng Chính phủ tới tham dự và ghi nhận kết quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội, khích lệ các tầng lớp phụ nữ tự tin khởi nghiệp để đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương, đất nước. Sự kiện được tổ chức trang trọng, quy mô (với 500 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 17 nghìn người theo dõi livestream), tạo ấn tượng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tổ chức Hội trong hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Sự kiện giúp cho các dự án phụ nữ khởi nghiệp đoạt giải quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Nhiều dự án có sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn để start up bền vững hơn.
5. Hội nghị biểu dương Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc
Với chủ đề "Những bông hoa tháng 10", Hội nghị diễn ra từ ngày 17-19/10, là hoạt động thiết thực góp phần ghi nhận, động viên, tôn vinh đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở, là sự kiện quan trọng trong kế hoạch thực hiện khâu đột phá "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh" của nhiệm kỳ 2022-2027, đồng thời là hoạt động lớn thực hiện chủ đề năm 2023.
Hội nghị một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò, tinh thần nhân văn, sự đóng góp quan trọng của hoạt động Hội và phòng trào phụ nữ nói chung, vai trò của cán bộ Hội các cấp nói riêng trong sự phát triển chung của địa phương, đất nước. Thông qua hoạt động biểu dương, tôn vinh đã giúp cho cán bộ Hội cấp cơ sở được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm công tác và tiếp thêm động lực tiếp tục sáng tạo và cống hiến, đóng góp cho hoạt động Hội.
6. Khởi động Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến 2030
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, ngày 03/01/2023 Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" theo Quyết định số 01/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 01).
Hội nghị khởi động Đề án 01 được tổ chức vào ngày 17/3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trên 2.000 đại biểu. Sau sự kiện lan tỏa mạnh mẽ, tạo được sự cam kết của các địa phương 56/63 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
Việc Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là căn cứ quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
7. Chương trình " Mẹ đỡ đầu" với sự kiện nổi bật Trại hè "Hoa hướng dương"
Diễn ra vào những ngày đầu tháng 6, Trại hè "Hoa hướng dương" tôn vinh 101 cặp Mẹ - Con/Bố - Con tiêu biểu từ 39 tỉnh, thành Hội làm tốt Chương trình Mẹ đỡ đầu, tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn của chương trình và cách làm hay cho phụ nữ cả nước.
Trại hè cũng là dịp để các cặp Mẹ - con/Bố - Con đỡ đầu trải nghiệm hoạt động vui chơi tập thể, học tập kỹ năng mới, giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn, các anh, các chị ở khắp mọi miền Tổ quốc. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, Trại hè đã lan tỏa sâu rộng giá trị nhân văn của Chương trình "Mẹ đỡ đầu", hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như sự chung tay của cả cộng đồng, sau 2 năm triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu", tính đến tháng 11/2023, Hội LHPN các cấp và hội viên, phụ nữ trong cả nước đã vận động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trên 3.000 trẻ mồ côi do Covid-19. Chương trình thực sự đã trở thành điểm tựa tinh thần và vật chất, khẳng định vai trò và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả của đại dịch.
Hành trình "Mẹ đỡ đầu" đã, đang và sẽ tiếp tục sẻ chia yêu thương đến với các con mồ côi, để cùng nhau bù đắp với quyết tâm mang đến cho các con một mái ấm tình thân, giúp các con tiếp tục vượt qua chông gai, vững vàng đi tới tương lai.
8. Hội thi Dân vũ và Thể dục thể thao phụ nữ toàn quốc 2023
Được phát động từ tháng 3/2023, trải qua 2 vòng thi loại toàn quốc và vòng thi chung kết, Hội thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của 63 tỉnh/thành với hàng nghìn tiết mục tham dự.
Vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 6/2023 thu hút gần 1.000 vận động viên đến từ 51 tỉnh/thành, đơn vị tham gia thi đấu.
Theo thống kê, có 29 nghìn lượt tiếp cận chương trình trực tiếp; hơn 1 triệu lượt tiếp cận và hàng nghìn lượt chia sẻ tin bài tuyên truyền về Hội thi. Hội thi đã lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao (TDTT), rèn luyện sức khỏe trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước và các tầng lớp nhân dân. Tại nhiều địa phương, các giải thi đấu, giao lưu dân vũ TDTT đã được tổ chức, góp phần đưa phong trào dân vũ phát triển rộng lớn trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên toàn quốc.
Nhiều địa phương còn duy trì các CLB TDTT; tổ chức các giải đấu, giao lưu dân vũ TDTT, góp phần thu hút hội viên và nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội.
9. Hoạt động tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường của các cấp Hội
Nhằm góp phần thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thực hiện tiêu chí có trách nhiệm với xã hội, các cấp Hội đã triển khai, duy trì nhiều hoạt động, mô hình về bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, nông thôn mới sáng - xanh - sạch đẹp, đô thị văn minh. Nhiều miền quê đáng sống có sự đóng góp tích cực của hội viên, phụ nữ trong lĩnh vực môi trường.
Tính đến nay, các cấp Hội tổ chức Tết trồng cây với tổng số ước tính là hơn 3 triệu cây; duy trì nhiều mô hình về bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào chống rác thải nhựa.
Nhiều mô hình thu gom phế liệu đã gây được nguồn quỹ 5,7 tỷ đồng và trao tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền và những hành động thiết thực bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp và phòng chống thiên tai, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ, được các cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
10. Tuần lễ Áo dài 2023 và các hoạt động hưởng ứng hành trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam"
Nhằm tôn vinh giá trị Áo dài Việt Nam, TW Hội LHPN Việt Nam đã phát động, các cấp Hội hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" từ 1/3-6/3 với nhiều hoạt động có quy mô lớn, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp phụ nữ.
Các cuộc thi, chương trình đồng diễn đã được tổ chức, trong đó có 2 sự kiện đã xác lập kỷ lục guiness Việt Nam là "Duyên dáng phương Nam" tại TP Cần Thơ với hơn 5.000 người tham gia trình diễn áo bà ba và áo dài; 6.000 chị em tham gia Lễ diễu hành "Tôn vinh áo dài - di sản văn hoá Việt Nam" tại tỉnh Khánh Hoà và hàng nghìn hội viên, phụ nữ tại nhiều nhiều tỉnh, thành khác đã nhiệt tình tham gia biểu diễn những tiết mục đặc sắc trong tà áo dài Việt Nam.
Nhiều cuộc thi ảnh đẹp trong trang phục áo dài cũng được Hội LHPN các tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, góp phần lan toả mạnh mẽ hiệu ứng của chương trình trên cả nước
Đặc biệt, sự đồng hành của nhiều nhà thiết kế, nhà may, nghệ sĩ, người nổi tiếng và nữ đại sứ, bạn bè quốc tế đã khiến chương trình trở thành điểm nhấn và bản sắc riêng của Hội LHPN Việt Nam.
Dịp này, Hội cũng tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như: Hà Nội ủng hộ 14.051 bộ áo dài; Thừa Thiên Huế tặng 2.500 áo dài; Bình Dương đã vận động được 1.415 bộ vải áo dài trắng, 113 bộ áo dài cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.