100% sinh viên ra trường có việc làm nhờ 'win - win'

22/04/2017 - 12:00
"5 ngành học của CĐ cơ điện Hà Nội chiếm đến 80% tổng sinh viên cả trường. Năm ngoái có 800 em tốt nghiệp thì tất cả đều có việc làm, có thu nhập ổn định", hiệu trưởng nhà trưởng khẳng định.
Sinh viên đăng kí nhập học tại trường CĐ cơ điện Hà Nội. Nguồn ảnh: codienhanoi.edu.vn

Thông tin mới đây của Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung gây chú ý trong xã hội khi khẳng định có 6 trường nghề cam kết sẽ hoàn tiền học phí nếu sinh viên ra trường không tìm được  việc làm. 

Trao đổi với PNVN, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Cao đẳng cơ điện Hà Nội - 1 trong 6 trường đưa ra cam kết này, cho biết, mấu chốt của câu chuyện này là ở sự “win - win” (cùng thắng hay cùng có lợi) của nhà trường và doanh nghiệp.

“Trường đào tạo 22 ngành thì có 5 ngành chúng tôi cam kết 100% sinh viên ra trường chắc chắn có việc làm. Đó là các ngành: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cắt kim loại, hàn và cơ điện tử. Số sinh viên học 5 ngành này chiếm 70 - 80% tổng sinh viên cả trường (năm ngoái có khoảng 800 em) thì tất cả các em sau khi ra trường đều có việc làm, có thu nhập ổn định” - ông Ngọc cho hay.

Theo ông, làm được điều này, trường đặc biệt coi trọng chất lượng và giữ uy tín trong quá trình đào tạo. “Dạy nghề gắn với dạy kỹ năng thực hành, đây cũng là yếu tố quan trọng để “hấp dẫn” doanh nghiệp, vì thế chúng tôi rất chú trọng khâu thực hành” - ông Đồng Văn Ngọc cho hay.

Yếu tố “win - win” trong quan hệ với doanh nghiệp để gắn với đầu ra của sinh viên, theo ông Ngọc chính là xuất phát ở cả hai phía.

“Hợp tác với doanh nghiệp là điều rất khó, bởi không phải họ dễ dàng đến với trường ngay. Một mặt, trường phải năng động và chủ động, dám giới thiệu nguồn nhân lực của trường để tạo niềm tin. Doanh nghiệp không phải trực tiếp bỏ tiền ra đào tạo, nhưng họ tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá đào tạo để cùng với trường, có được nguồn nhân sự có chất lượng đạt như kỳ vọng” - theo ông Đồng Văn Ngọc.

Vị Hiệu trưởng này tự nhận, tài sản vô hình mà trường có được là quan hệ với doanh nghiệp được tích lũy trong nhiều năm, từ đó là kênh trung gian, đưa người học đến với doanh nghiệp.

Lời khuyên của ông Ngọc dành cho những sinh viên đang đứng trước cơ hội lựa chọn ngành nghề, đó là trước hết bản thân người học phải có thông tin về những ngành mình muốn học.

“Các bạn hãy chọn những ngành mà xã hội cần, thay vì chọn ngành bằng những cái click chuột. Nếu chọn các trường nghề có uy tín, hãy trực tiếp đến hỏi chính sinh viên đang học tại trường để biết được chất lượng đào tạo thực tế của trường” - ông khuyên.

Thêm vào đó, sinh viên cần sớm mô tả năng lực của bản thân trước khi chọn nghề, trên cơ sở phân tích mọi nguồn lực về sức khỏe, năng lực, thế mạnh, mối quan hệ của bản thân, gia đình mình với xã hội… Từ đó, con đường lựa chọn nghề sẽ thiết thực hơn và có cơ sở để theo mình suốt chặng đường đời.

* Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Bộ sẽ nâng cao chất lượng học nghề để thu hút thanh niên, đảm bảo ra trường có việc làm, người đủ điều kiện thì được học liên thông. 

Điều chúng tôi mong muốn là người dân ủng hộ, động viên con em tham gia học nghề tìm việc bằng con đường chính đáng và hãy nhìn nhận đại học không phải con đường duy nhất.

Sẽ có nhiều bước đột phá để nâng cao đào tạo nghề trong những năm tới. Thứ nhất là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thứ ba là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm