1001 vấn đề cần biết về điều trị bệnh tay chân miệng

QN
29/12/2020 - 07:05
1001 vấn đề cần biết về điều trị bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu và các thuốc sử dụng đều là thuốc điều trị triệu chứng, nhưng nếu điều trị tốt thì bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Trong điều trị bệnh tay chân miệng ngoài việc căn cứ theo phân độ bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp thì còn rất nhiều vấn đề phụ huynh băn khoăn như: Có thuốc điều trị tay chân miệng không? Con bị tay chân miệng có cần cho uống kháng sinh không? Khi nào thì cần đưa trẻ tới bệnh viện?,...

1. Căn cứ nào giúp phân loại điều trị bệnh tay chân miệng?

Để thuận lợi cho việc điều trị và theo dõi bệnh nhân, hiện nay bệnh tay chân miệng được phân loại thành 4 mức độ khác nhau tùy thuộc vào sự biểu hiện các triệu chứng sức khỏe của bệnh.

- Độ 1: Chỉ có các tổn thương tại da và niêm mạc.

- Độ 2: Gồm có hai mức độ là mức độ 2a và mức độ 2b

Phân độ 2a: Bệnh nhân giật mình ít hơn 2 lần trong 30 phút, sốt cao liên tục, lừ đừ, quấy khóc, khó ngủ.

Phân độ 2b: Bệnh nhân giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút, ngủ gà, mạch nhanh lớn hơn 130 lần/phút, mất điều hòa động tác, yếu liệt chi, nuốt nghẹn hoặc nói ngọng.

- Độ 3: Bệnh nhân biểu hiện mạch nhanh lớn hơn 170 lần/ phút hoặc mạch chậm, rối loạn huyết động (giảm tưới máu chi, tăng huyết áp tâm thu), rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.

- Độ 4: Có các biến chứng của bệnh như trụy tim mạch, phù phổi cấp, suy hô hấp, ngừng hô hấp tuần hoàn,...

2. Bệnh tay chân miệng có chữa được không? Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa?

Do bệnh tay chân miệng gây ra bởi nguyên nhân virus, do đó cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào được công nhận có khả năng điều trị đặc hiệu cho bệnh. Tất cả các loại thuốc được sử dụng hiện nay trong điều trị bệnh tay chân miệng đều là những loại thuốc điều trị các triệu chứng của bệnh.

Mặc dù chưa có thuốc đặc hiệu để sử dụng trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp thì bệnh sẽ bắt đầu thuyên giảm sau 3-5 ngày khởi phát bệnh và thường sẽ khỏi hẳn sau 7-10 ngày. Do đó, bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể điều trị được và vấn đề quan trọng trong điều trị bệnh tay chân miệng là phải kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh và đề phòng các biến chứng bệnh gây nên.

>> Bác sĩ BV Nhi đồng hướng dẫn nhận diện chính xác dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn

Điều trị bệnh tay chân miệng và những điều cần biết - Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng có thể điều trị khỏi nếu được thăm khám và điều trị đúng cách (Ảnh: Internet)

3. Bệnh tay chân miệng có cần nhập viện điều trị không?

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh rất nguy hiểm, tuy nhiên không phải trường hợp điều trị bệnh tay chân miệng nào cũng cần thiết phải nhập viện. Vấn đề có nên nhập viện để điều trị bệnh tay chân miệng hay không sẽ được quyết định dựa trên sự biểu hiện mức độ biểu hiện bệnh của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân chỉ bị mắc bệnh mức độ 1 (tức là chỉ có tổn thương ở da và niêm mạc) thì việc nhập viện để điều trị bệnh là điều chưa cần thiết. Bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tại nhà, hướng dẫn cách theo dõi tiến triển bệnh, thực hiện tái khám tại cơ sở y tế theo lịch hen hoặc ngay khi có diễn biến nặng xảy ra. Bạn có thể tham khảo thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị tay chân miệng tại nhà TẠI ĐÂY.

Còn nếu bệnh nhân nhân mắc bệnh tay chân miệng từ mức độ 2 trở lên thì sẽ được cho nhập viện để điều trị. Riêng đối với các bệnh nhân mắc bệnh mức độ 3 và mức độ 4 do có nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, vì vậy bệnh nhân cần được tiến hành điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.

4. Các loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho bệnh tay chân miệng và các thuốc sử dụng đều chỉ là các thuốc điều trị triệu chứng của bệnh. Nhưng do sự biểu hiện đa dạng của các triệu chứng bệnh tay chân miệng rất đa dạng, do đó cũng có nhiều nhóm thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh tay chân miệng cho bệnh nhân.

Điều trị bệnh tay chân miệng và những điều cần biết - Ảnh 3.

Các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay đều là các thuốc điều trị triệu chứng của bệnh (Ảnh: Internet)

Những nhóm thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thường được dùng hiện nay:

4.1. Thuốc hạ sốt

Bệnh nhân tay chân miệng thường được sử dụng paracetamol để hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C với liều khuyến cáo 10mg/kg/lần sử dụng. Với các trường hợp bệnh nhân sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì chưa cần sử dụng thuốc paracetamol mà chỉ cần sử dụng các biện pháp hạ sốt vật lý như cởi bỏ bớt quần áo, lau mát,...

Còn nếu trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, sốt không đáp ứng với paracetamol thì có thể được cho sử dụng ibuprofen để thay thế.

4.2. Các dung dịch bù nước điện giải

Hội chứng mất nước, điện giải thường hay xảy ra ở bệnh nhân tay chân miệng do sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy và giảm uống nước do đau miệng. Khi đó bênh nhân thường được cho bồi phụ lượng nước đã mất bằng dung dịch oresol nếu bệnh nhân bị mất nước nhẹ và vừa, bệnh nhân còn có khả năng uống được.

1001 vấn đề cần biết về điều trị bệnh tay chân miệng - Ảnh 4.

Hội chứng mất nước, điện giải thường hay xảy ra ở bệnh nhân tay chân miệng do sốt cao (Ảnh: Internet)

Bù nước, điện giải bằng đường tiêm truyền với các dung dịch như NaCl 0,9%, Ringerlactat,... chỉ được thực hiện khi bệnh nhân mất nước mức độ nặng, không thể uống được hoặc nôn ói nhiều.

4.3. Thuốc chống co giật

Để dự phòng co giật cho bệnh nhân trong điều trị bệnh tay chân miệng thì phenolbarbital là đại diện thường xuyên được sử dụng. Liều sử dụng phenolbarbital để phòng chống co giật cho bệnh nhân tay chân miệng được thay đổi tùy vào mức độ bệnh của bệnh nhân. 

Đối với bệnh nhân mắc bệnh mức độ 2a thì liều lượng sử dụng ở mức từ 5-7mg/24h, còn đối với bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng mức độ 3, liều lượng sử dụng phenolbarbital có thể tăng lên đến mức 10-20mg/24h.

4.4. Thuốc cắt cơn co giật

Thuốc cắt cơn co giật không phải là thuốc được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân khi điều trị bệnh tay chân miệng, nó chỉ được chỉ định khi có cơn co giật đang xảy ra. Những loại thuốc cắt cơn co giật hay dùng trên thực tế điều trị bệnh tay chân miệng là Midazolam với liều 0,15 mg/kg/lần hoặc Diazepam với liều 0,2-0,3 mg/kg.

4.5. Immunoglobulin miễn dịch

Thuốc imunoglobulin có thể được chỉ định thường quy cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng từ mức độ 2b trở lên. Thuốc cung cấp các yếu tố miễn dịch cho bệnh nhân nhân, giúp tăng đề kháng, rút ngắn thời gian điều trị và thời gian lành bệnh.

4.6. Một số nhóm thuốc khác

Ngoài những nhóm thuốc thường sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng như đã kể ở trên thì bệnh nhân còn có thể được sử dụng thêm một số các nhóm thuốc khác như thuốc trợ tim mạch, thuốc lợi niệu,... tùy thuộc vào diễn biến và biến chứng của bệnh ghi nhận được.

4.7. Có nên sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tay chân miệng hay không?

Thuốc kháng sinh không phải là một nhóm thuốc được chỉ định thường quy cho bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng. 

Nguyên nhân của điều này chính là bởi bệnh tay chân miệng là căn bệnh gây nên do virus, trong khi đó thuốc kháng sinh lại là nhóm thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu trên các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.

1001 vấn đề cần biết về điều trị bệnh tay chân miệng - Ảnh 5.

Có nên sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tay chân miệng hay không? (Ảnh: Internet)

Vì thế, kể cả khi được sử dụng thì thuốc kháng sinh cũng không cho tác dụng tiêu diệt được nguyên nhân gây bệnh và điều trị bệnh. Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong các trường hợp có bội nhiễm thứ phát hoặc bội nhiễm phối hợp xảy ra trên bệnh nhân tay chân miệng. 

Do đó, không được tự ý cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng bởi không mang lại bất kỳ hiệu quả nào mà còn làm gia tăng các nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.

5. Các lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng

Để giúp quá trình điều trị bệnh tay chân miệng diễn ra an toàn và hiệu quả hơn, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau đây:

5.1. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng cần phải được sử dụng theo đúng các chỉ định của bác sĩ về chủng loại thuốc, liều lượng sử dụng và thời gian dùng thuốc để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả điều trị và giảm thấp các nguy cơ tác dụng phụ.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị bệnh nào nếu chưa có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thăm khám cần thiết.

5.2. Có chế độ dinh dưỡng thích hợp

Bệnh nhân bị tay chân miệng cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng thích hợp, đa dạng với đủ các nhóm dưỡng chất gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Vì thế mà cha mẹ cũng cần lưu ý khi cho trẻ bị tay chân miệng ăn gì, không nên ăn gì,..

1001 vấn đề cần biết về điều trị bệnh tay chân miệng - Ảnh 6.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học khi trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ tạo điều kiện duy trì và nâng cao sức khỏe của bệnh nhân giúp bệnh tiến triển tốt hơn.

>> 11 việc cần làm để luôn có một hệ miễn dịch siêu cường

5.3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là các nốt phỏng nước

Bệnh nhân bị tay chân miệng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt bằng cách tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh răng miệng với các dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý theo chỉ định để phòng chống các bội nhiễm thứ phát do các tổn thương trên da và niêm mạc.

5.4. Phòng chống lây nhiễm từ người mang virus tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có thể lây lan dễ dàng từ người sang người. Do đó, cần phải thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng. 

Các biện pháp phòng chống lây nhiễm cơ bản bao gồm nghỉ học hoặc nghỉ việc tại nhà, không sử dụng chung vật dụng vệ sinh cá nhân, quần áo của bệnh nhân cần phải được xử lí riêng, hạn chế tiếp xúc với người khác, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang y tế,...

5.5. Quan sát theo dõi diễn biến và đưa trẻ đến viện ngay nếu cần thiết

Đối với các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được chỉ định điều trị tại nhà thì người nhà cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu tăng nặng của bệnh. Những dấu hiệu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bao gồm giật mình, nôn ói, sốt cao kéo dài trên 2 ngày, co giật, lơ mơ, lừ đừ, quấy khóc nhiều, không chịu ngủ,...

Qua đây có thể thấy được rằng, bệnh tay chân miệng là căn bệnh rất nguy hiểm. Vì vậy, điều trị bệnh tay chân miệng cần phải được tiến hành sớm và đúng cách, theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thăm khám cần thiết để chẩn đoán bệnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm