11 dấu hiệu giúp bạn “bắt bài” kẻ nói dối

NGUYỄN HƯỜNG
19/08/2022 - 19:00
11 dấu hiệu giúp bạn “bắt bài” kẻ nói dối
Nếu bạn nghi ngờ ai đó đang nói dối, hãy tìm xem liệu họ có những ngôn ngữ cơ thể dưới đây hay không.

Theo chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể Traci Brown: “Cơ thể chúng ta không thể nói dối. Học cách đọc những dấu hiệu tinh tế trên cơ thể để biết khi nào một người đang nói dối sẽ giúp bạn có được lợi ích to lớn”. Nếu bạn nghi ngờ ai đó đang nói dối, hãy tìm xem liệu họ có những ngôn ngữ cơ thể dưới đây:

1. Lời nói và ngôn ngữ cơ thể không khớp

Trong văn hóa của chúng ta, gật đầu nghĩa là có và lắc đầu nghĩa là không. Nếu ai đó đang nói: "Không, tôi đã không làm điều đó" nhưng đầu của họ lại gật, có lẽ họ đã làm điều đó. Chúng ta có xu hướng nhấn mạnh mọi thứ bằng đầu trong tiềm thức và cái gật/lắc đầu đáng tin hơn những gì nói ra.

2. Thể hiện quá đà

Nếu ai đó thường xuyên ngắt lời người khác, chiếm nhiều không gian với cử chỉ và tư thế cánh tay phô trương, hãy hết sức cảnh giác. Những điều này thường thấy ở người đang gian lận, che giấu điều gì đó.

3. Mím môi

Mím môi trước khi nói chính là một dấu hiệu bạn không nên bỏ qua. “Khi đôi môi của mọi người biến mất, họ đang giữ lại thông tin. Điều tiếp theo thốt ra từ miệng họ chỉ là một nửa sự thật hoặc là một lời nói dối”, chuyên gia Brown nói.

4. Tay che miệng

Bên cạnh mím môi, những hành động khác như lấy tay che miệng cũng là điều bạn nên chú ý.

Hãy chú ý khi ai đó dùng tay che miệng, dù chỉ là che một phần. Hành động này trông có vẻ tự nhiên nhưng thường tiết lộ thông điệp rằng điều tiếp theo họ nói là dối. 

Nếu bạn hỏi: "Tại sao bạn lại rời khỏi vị trí của mình?" và tay của đối phương đưa lên che miệng rồi nói "Tôi ở vị trí đó tốt hơn”, họ đang giấu điều gì đó. Để biết được sự thật, bạn có thể đáp lại rằng: “Có vẻ như bạn còn nhiều điều để nói. Bạn muốn giải thích nhiều hơn chứ?"

5. Tông giọng

Tông giọng là một trong những dấu hiệu tốt nhất để bạn phát hiện ra sự lừa dối. Giọng điệu thuyết phục hùng hồn thường biểu thị sự lừa dối, trong khi giọng điệu truyền đạt nhẹ nhàng hơn có thể trung thực hơn.

6. Bồn chồn

Nếu ai đó trở nên bồn chồn, điều đó có thể cho thấy sự lừa dối. Đôi chân của chúng ta có bản năng chạy trốn khỏi một tình huống không thoải mái và khi bộ não cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể làm điều đó, chân chúng ta sẽ rung tại chỗ, thể hiện sự bồn chồn.

7. Ngôn ngữ cơ thể không nhất quán 

Mỗi người đều có những thói quen, cách diễn đạt ngôn ngữ cơ thể nhất định. Khi ngôn ngữ cơ thể của ai đó khác với bình thường, hãy lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang nói dối.  

8. Trả lời chậm trễ

Nếu ai đó mất hơn 5 giây để có thể bắt đầu một câu trả lời, đó rất có thể là dấu hiệu của một sự lừa dối.

9. Đôi mắt lo âu

Brown nói: “Khi bạn nhìn thấy tròng trắng mắt của một người, điều đó có nghĩa là họ đang sợ hãi. Nếu ai đó mắt nhìn xung quanh, liên tục di chuyển lên, xuống và từ bên này sang bên kia khi được hỏi, họ có lẽ đang sợ phải đưa ra một câu trả lời trung thực.

10. Tìm kiếm vết chân chim

Nụ cười bên trái với vết chân chim chính là một nụ cười thực sự

Nụ cười chân thật luôn thể hiện rõ ở đôi mắt. Điều bạn cần làm là tìm kiếm vết chân chim trong nụ cười của họ. 

Ví dụ: Nếu một đối tác nói: “Đây là dự án mà chúng tôi rất hào hứng” và bạn thấy những nếp nhăn kéo dài từ mắt về phía thái dương, sự nhiệt tình của họ là thật lòng. Nếu họ chỉ miệng cười mà mắt không cười, hãy cẩn thận vì rất có thể họ đang thổi phồng sự thật lên quá mức.

11. Chớp mắt nhanh

Nếu ai đó chớp mắt nhanh hơn khi giải quyết một chủ đề cụ thể hoặc trả lời một số câu hỏi nhất định, đây là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng, che giấu sự thật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm