pnvnonline@phunuvietnam.vn
11 món đồ bạn không nên làm sạch bằng nước rửa bát
Từ rèm cửa sổ đến bộ đồ dùng quầy bar, các chuyên gia sẽ nói đi nói lại với bạn rằng, nước rửa bát - "loại thuốc tiên" có giá cả phải chăng, được bán rộng rãi chính là chất tẩy rửa mà bạn nên tìm đến cho hầu hết mọi công việc. Song, dù bạn có tin hay không thì vẫn luôn có hàng tá đồ gia dụng và bề mặt mà nước rửa bát có thể làm hỏng.
Và dưới đây chính là 11 thứ bạn không nên làm sạch bằng nước rửa bát:
1. Máy pha cà phê
Jessica Samson - Chuyên gia vệ sinh tại dịch vụ vệ sinh The Maids ở Nebraska cho biết: “Việc sử dụng nước rửa bát làm sạch máy cà phê sẽ để lại một mớ hỗn độn sủi bọt và rất khó làm sạch. Thay vào đó, bạn nên dùng dung dịch giấm để làm sạch bên trong máy pha cà phê sẽ hiệu quả hơn nhiều. Việc sử dụng nước rửa bát có thể rất hấp dẫn, nhưng hãy tin tôi, đừng làm vậy".
2. Mặt bàn đá granite và các loại đá khác
Carlos Garcia, Giám đốc điều hành nhóm Total Clean ở Anh, cho biết: “Nước rửa bát có thể để lại cặn trên các bề mặt xốp như đá granit cùng các loại đá khác. Thay vào đó, hãy sử dụng chất tẩy rửa dành riêng cho bề mặt đá để tránh mọi hư hỏng”.
3. Dụng cụ nấu bằng gang
Garcia cho biết: “Nước rửa bát có thể làm mất đi lớp chống dính trên chảo gang, vì vậy thay vì làm sạch chúng như cách rửa bát đĩa thông thường, hãy sử dụng một ít nước nóng và bàn chải. Cách này đem lại hiệu quả cao hơn nhiều".
4. Thép không gỉ
Sokolowski cho biết: "Nước rửa bát có thể để lại vệt hoặc các vết mờ trên bề mặt thép không gỉ. Theo đó, hãy chọn giải pháp được thiết kế đặc biệt cho các thiết bị bằng thép không gỉ".
5. Gương
“Giống như trên sàn nhà, nước rửa bát có thể để lại các vệt cặn trên gương nếu bạn không rửa sạch và có thể tốn rất nhiều nước. Thay vào đó, hãy sử dụng giấm pha loãng hoặc nước lau kính chuyên dụng để làm sạch gương”, Schulz khuyến nghị.
6. Mặt bàn đá cẩm thạch
Alicia Sokolowski - Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành của dịch vụ vệ sinh nhà cửa AspenClean ở Vancouver lưu ý rằng nước rửa bát có thể ăn mòn và làm mờ bề mặt đá cẩm thạch.
7. Sàn gỗ cứng
Mặc dù bạn cần lau ướt sàn gỗ cứng nhưng đừng sử dụng nước rửa bát. Schulz nói: "Điều này có thể để lại cặn làm hỏng vẻ ngoài của nó".
8. Đồ da
Dầu tự nhiên giúp duy trì lớp da tốt và việc sử dụng nước sẽ làm mất đi lớp bảo vệ đó. Schulz nói: "Việc này sẽ dẫn đến tình trạng da bị khô và nứt".
9. Nội thất gỗ
Garcia cho biết: “Không bao giờ sử dụng nước rửa bát trên đồ nội thất bằng gỗ vì nó có thể làm mất đi lớp sơn bảo vệ và khiến gỗ trông bị đổi màu. Khi làm sạch đồ gỗ, điều thực sự quan trọng là sử dụng chất tẩy rửa được thiết kế đặc biệt cho bề mặt gỗ, vì điều này sẽ làm nổi bật vẻ ngoài của đồ gỗ mà không làm mất đi lớp sơn”.
10. Vật phẩm mạ vàng
Sokolowski khuyên rằng nước rửa bát có thể làm xước và loại bỏ lớp mạ vàng. Khi nói đến đồ trang sức và bề mặt mạ vàng, hãy luôn sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng.
11. Máy rửa bát
Ryan Knoll, chủ sở hữu của Tidy Casa ở Arizona cho biết: “Lý do chính là do nước rửa bát tạo ra nhiều bọt hoặc bong bóng. Khi sử dụng trong máy rửa bát, lớp bọt này có thể tràn vào máy và tràn ra sàn bếp, tạo thành một mớ hỗn độn và có khả năng làm hỏng máy hoặc sàn nhà. Trong khi đó, chất tẩy rửa dành riêng cho máy rửa bát có ít bọt và được pha chế đặc biệt để sử dụng cho các máy này”.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, bạn không nên trộn nước rửa bát và thuốc tẩy. Knoll cho biết: “Không nên kết hợp thuốc tẩy với nước rửa bát vì sự kết hợp này có thể tạo ra khí độc hại. Mặc dù hầu hết các loại nước rửa bát hiện đại đều không chứa amoniac nhưng một số vẫn có thể.
Khi trộn thuốc tẩy và amoniac, chúng sẽ phản ứng tạo thành khí chloramine, rất có hại nếu hít phải. Ngay cả khi nước rửa bát của bạn không chứa amoniac, nó vẫn có thể chứa các hóa chất khác mà khi trộn với thuốc tẩy có thể tạo ra khí độc hại hoặc khói khó chịu. Bạn sẽ an toàn hơn nếu tránh trộn lẫn hai sản phẩm”.
Cuối cùng, mặc dù nước rửa bát cực kỳ hữu ích theo vô số cách có thể sử dụng, từ việc loại bỏ vết bẩn đến thông tắc cống. Nhưng trước khi làm việc đó, hãy đảm bảo rằng bề mặt bạn đang làm sạch không cần chất tẩy rửa dành riêng cho từng loại vật liệu để có kết quả tốt nhất.