Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đến chiều tối ngày 9/11, các địa phương đã xác định có 112 người chết (Khánh Hòa 43 người, Bình Định 18 người, Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 24 người, Thừa Thiên-Huế 11 người, Lâm Đồng 3 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 1 người, Quảng Trị 1 người, Đà Nẵng 1 người). Tại các địa phương vẫn còn 20 người mất tích, trong đó Quảng Nam 11 người, Bình Định 7 người, Khánh Hòa 1 người, Phú Yên 1 người, do bão 12 và lũ lụt gây ra.
Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn thuyền viên mất tích trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) vẫn tiến hành với sự khẩn trương, cấp bách. Ngày 9/11, các lực lượng vẫn duy trì 20 tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn ở hiện trường và đã vớt được 1 thi thể thuyền viên tàu Biển Bắc 16.
Như vậy, trong số 84 thuyền viên trên 8 tàu hàng bị chìm tại vịnh Quy Nhơn, đến nay đã có 71 người được cứu sống, tìm được 11 thi thể (8 trường hợp được thân nhân nhận dạng).
Tại Khánh Hòa, số người chết do bão số 12 đã tăng nhanh trong những ngày qua, do lực lượng biên phòng tỉnh Khánh Hòa mỗi ngày lại phát hiện thêm 2 - 4 người chết, trôi nổi trên vịnh Vân Phong hoặc trên vùng biển tỉnh này. Đa số nạn nhân là người làm thuê cho các chủ lồng bè trên vịnh Vân Phong và một số địa phương khác.
Như huyện Vạn Ninh, nơi có 12.000 lồng bè bị bão nhấn chìm, ngày 6/11, huyện này báo cáo chỉ có 9 người chết, nhưng ngày 9/11 đã lên đến 19 người. Khi xảy ra bão, cả lực lượng biên phòng lẫn công an đều cùng hợp lực đến tận nơi để buộc người dân phải rời khỏi các lồng bè. Nhưng nhiều người, có thể vì tiếc của nên chỉ rời trong buổi chiều, đến tối họ lại bí mật ra các lồng bè để ngủ lại, ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì vậy, sáng hôm sau, bão ập vào thì trở tay không kịp, nhiều người thiệt mạng mặc dù đã có hàng trăm người được cứu khi đang ngoi ngóp giữa biển.
Tại cuộc họp với thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 12 ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn hồ thủy điện, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hồ thủy lợi và hệ thống đê điều.