Sau 6 tháng công bố nhận tài trợ các dự án khoa học và công nghệ định hướng ứng dụng, Hội đồng Khoa học Công nghệ của Quỹ VINIF đã chọn được 20 dự án xuất sắc nhất từ gần 200 hồ sơ đăng ký.
Tổng mức tài trợ dành cho 20 dự án là 124 tỷ đồng, trong đó mức cao nhất là 10 tỷ đồng/dự án. Kinh phí tài trợ được sử dụng để chi trả cho lương của thành viên dự án, chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế; mua nguyên, nhiên, vật liệu và các vật tư, dụng cụ; mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế…
Bên cạnh đó, Quỹ VINIF cũng hỗ trợ các dự án những nguồn lực khác như giới thiệu, cung cấp chuyên gia tư vấn, cung cấp cơ sở dữ liệu lớn và sở hữu trí tuệ từ Vingroup. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện đầu ra cho các dự án nghiên cứu, VINIF sẽ hỗ trợ giới thiệu, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của nghiên cứu vào thực tế; giúp đăng ký và bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; tìm kiếm nguồn đầu tư sau dự án để tiếp tục hoàn thiện và phát triển sản phẩm.
Trong tháng 8/2019, các dự án sẽ bắt đầu nhận tài trợ để triển khai, với mục tiêu đạt được tối thiểu 1 trong 4 yêu cầu sau: Có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín xếp hạng Q1 hoặc tương đương; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; Chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; Đào tạo thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước.
Để được nhận tài trợ, chủ nhiệm dự án phải là nhà khoa học có bằng tiến sĩ, đã có kinh nghiệm và thành tựu; số lượng người nước ngoài tham gia dự án không được vượt quá 30%. Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì cần có thời gian làm việc trong nước tối thiểu 3 tháng/năm trong thời gian chủ nhiệm dự án. Điều kiện trên nhằm đảm bảo đúng mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học Việt và sự phát triển của khoa học nước nhà.
Điều đặc biệt là trong 20 dự án được tài trợ, có một dự án duy nhất với chủ nhiệm dự án là nữ giới - TS Phùng Thị Kiều Hà. Dự án của chị và nhóm có tên gọi “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng và triển khai hệ thống quản lý điểm đỗ xe thông minh trên phố”.
GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học VINIF chia sẻ, đây là chương trình hỗ trợ hàng năm của Vingroup, có cơ chế tài chính linh hoạt, thủ tục hành chính tối giản và các nguồn lực mạnh mẽ nhằm mang đến điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học, đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tế.
“Chúng tôi mong muốn góp phần hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện thành công những dự án xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn, với định hướng ứng dụng cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại” – ông Vũ Hà Văn nhấn mạnh.
VINIF thuộc tập đoàn Vingroup được thành lập vào tháng 8/2018, là năm đầu tiên chính thức hoạt động, với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. VINIF sẽ tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới… với định hướng đưa ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ mang lợi ích thiết thực cho cộng đồng. VINIF cũng sẽ tài trợ học bổng cho các sinh viên tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và y dược để nuôi dưỡng các nhân tài. Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Vingroup Big Data Institute - VINBDI) thuộc Tập đoàn Vingroup chuyên nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành Dữ liệu lớn như máy học, trí tuệ nhân tạo, cấu trúc gen. Song song, Viện kết hợp giảng dạy và đào tạo nhà nghiên cứu trẻ cho ngành nghiên cứu Dữ liệu lớn còn đang sơ khai tại Việt Nam. |