pnvnonline@phunuvietnam.vn
13 cách điều trị chứng đau lưng ở tuổi 50
Có nhiều lý do khiến bạn bị đau lưng khi già đi và dưới đây là một số thông tin về cách điều trị chứng đau lưng có liên quan tới tuổi tác cũng như những vấn đề cần lưu ý khi bị đau lưng để quản lý chất lượng cuốc sống tốt hơn.
Lưng của bạn bao gồm nhiều cấu trúc có liên kết mật thiết với nhau để hỗ trợ các hoạt động của cơ thể bao gồm đốt sống lưng, tủy sống, đĩa đệm, dây chằng, cơ bắp, gân. Việc có vấn đề với một trong những cấu trúc này bao gồm chấn thương, viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng hay khối u chèn ép,... đều có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng. Gần 85% nam giới và phụ nữ sẽ bị đau cổ hoặc đau lưng trong suốt cuộc đời. Và thật không may, khả năng bạn bị đau lưng - đặc biệt là ở phần dưới lưng - chỉ tăng lên khi bạn già đi.
Sau 50 tuổi, nguyên nhân gây đau lưng phổ biến bao gồm:
- Thoái hóa đĩa đệm, dây chằng và khớp tạo ra các chuyển động bất thường và cơn đau do dây chằng bị kích thích gây ra; đĩa đệm bị thoái hóa (khô, mòn, co rút) có thể dẫn tới sự biến dạng và tổn thương nặng nề hơn cho cột sống
- Hẹp cột sống là tình trạng khoảng không gian bên trong ống sống bị hẹp, có thể gây áp lực lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh khi đi qua cột sống
- Trượt đốt sống thắt lưng (Spondylolisthesis) là tình trạng trong đó một đốt sống, thường ở lưng dưới, trượt về phía trước hoặc phía sau.
Nhiều người gặp phải một hoặc thậm chí là cả ba hoặc nhiều hơn các tình trạng này chẳng hạn như loãng xương, mất sức mạnh cơ bắp,.. Dưới đây là điều bạn có thể làm để giảm đau lưng sau tuổi 50. Lưu ý mỗi một người sẽ có tình trạng đau khác nhau vì thế mà cách can thiệp sẽ đem lại hiệu quả khác nhau ở mỗi người. Trước khi tiến tới phẫu thuật xâm lấn, các bác sĩ sẽ ưu tiên thực hiện trước các trị liệu bảo tồn, liệu pháp bổ sung và nâng cao.
Các biện pháp điều trị bảo tồn thông thường (conventional therapies)
1. Hoạt động thể chất nhiều hơn
Lối sống ít vận động góp phần gây đau lưng, đặc biệt là khi bạn già đi. Các hoạt động thể chất được xem như một "liều thuốc bổ" cho rất nhiều tình trạng sức khỏe, trong đó có cột sống của bạn. Bạn càng vận động đều đặn sẽ giúp tình trạng đau lưng được cải thiện.
Những hoạt động đơn giản như đi bộ thường xuyên ở người sau 50 tuổi cũng có thể giúp ích rất nhiều để cột sống khỏe mạnh hơn.
2. Vật lý trị liệu
Các bác sĩ có thể chỉ định một chương trình vật lý trị liệu nếu bạn bị đau lưng với mục đích cải thiện sự cân bằng, sức mạnh và tính linh hoạt cho cơ lưng, cơ bụng (cơ lõi) để cột sống của bạn dẻo dai hơn chẳng hạn như cách ngồi, đi, đứng sao cho cột sống được giảm bớt áp lực nhất hoặc một số bài tập chuyên biệt khác.
Cơ lõi khỏe là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa đau lưng nhiều hơn trong tương lai.
3. Các loại thuốc
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) – ibuprofen, naproxen và aspirin – có thể ngăn chặn cơn đau do viêm. Mỗi một đợt dùng thuốc có thể kéo dài từ 5 - 10 ngày, ngay cả khi cơn đau đã giảm nhẹ thì bạn vẫn nên dùng đủ liệu trình.
Lưu ý rằng, thuốc giảm đau opioid không được khuyên dùng cho chứng đau lưng mạn tính. Bạn chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
4. Chườm lạnh
Một túi chườm lạnh khoảng 20 phút khi cơn đau lưng ập đến có thể giúp làm dịu cơn đau liên quan tới viêm hoặc co thắt cơ. Hãy chườm lạnh đúng cách để tránh bỏng lạnh.
5. Chườm nóng
Sau 2 - 3 ngày đau lưng, hãy cân nhắc chườm ấm vùng lưng bị đau hoặc tắm nước ấm. Nếu có thể, một chiếc đệm nhiệt có thể hữu ích trong một thời gian dài giúp giãn cơ lưng bị co thắt và kích thích quá trình lưu thông máu hiệu quả.
Tuy nhiên không nên lạm dụng đệm nhiệt/chườm ấm. Khi lựa chọn đệm nhiệt cần chọn các sản phẩm uy tín, để tránh bị bỏng khi ngủ. Đừng quên kéo dãn cơ để giúp cơ được làm ấm từ bên trong.
6. Nghỉ ngơi
Lão hóa có xu hướng khiến quá trình phục hồi chậm hơn. Nếu bạn bị đau lưng thì việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp hồi phục tốt hơn là nghỉ ngơi trong thời gian quá dài. Thời gian nghỉ ngơi chỉ nên dưới 48 giờ, trừ khi bạn có chỉ định khác của bác sĩ khi bị đau lưng. Nằm càng lâu thì thời gian và cường độ cơn đau lưng càng khó thuyên giảm.
Biện pháp bổ sung
Nếu chứng đau lưng do tuổi tác không cải thiện với các biện pháp chữa đau lưng thông thường tại nhà, các kỹ thuật bổ sung (liệu pháp bổ sung) có thể được chỉ định bao gồm:
7. Châm cứu
Châm cứu vào các điểm cụ thể trên cơ thể có thể giúp giảm cơn đau lưng mãn tính bằng cách kích thích quá trình chữa lành của cơ thể. Châm cứu chữa đau lưng thường tác động tới một số điểm huyệt đạo như: mặt sau của đầu gối, điểm chân, điểm bụng, điểm thấp phía sau lưng, điểm tay, điểm hông.
8. Nắn xương chỉnh hình bằng tay
Biện pháp này thường thấy trong điều trị đau cột sống. Bác sĩ chỉnh hình sẽ có các thao tác tay vận động và xoa bóp giúp giảm đau cho cả chứng đau lưng cấp tính và mãn tính, từ đó cải thiện tình trạng khớp thiếu khả năng vận động và tăng cường phạm vi chuyển động trong một số tình trạng cơ - xương - khớp cột sống nhất định cũng như tăng khả năng phục hồi cho các khớp bị cứng hay căng cơ xảy ra.
Rất nhiều người thắc mắc rằng massage có giúp giảm đau lưng không. Theo Web MD, một nghiên cứu gần đây cho thấy massage hàng tuần trong khoảng thời gian 10 tuần đã cải thiện cơn đau và hoạt động chức năng cho những người bị đau lưng mãn tính.
Tác dụng này sẽ kéo dài khoảng 6 tháng nhưng giảm dần trong một năm.
Liệu pháp xâm lấn
Một khi các can thiệp bên trên không giúp cải thiện tình trạng đau lưng thì biện pháp xâm lấn có thể được thực hiện. Nhiều bác sĩ khuyên rằng người cao tuổi không nên để cơn đau lưng diễn ra trong một thời gian dài mà không thăm khám. Phẫu thuật điều trị đau lưng khá hiếm. Nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm thì phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu cơn đau kéo dài dai dẳng gây chèn ép dây thần kinh và có nguy cơ biến chứng yếu cơ xảy ra.
9. Phong bế thần kinh chọn lọc
- Tiêm cortisone
Nếu các lựa chọn khác không hiệu quả, tiêm cortisone ngoài màng cứng xung quanh tủy sống có thể được chỉ định. Cortisone là một loại thuốc chống viêm có tác dụng giảm viêm xung quanh rễ thần kinh.
- Botox
Theo Medical News Today, botox giúp giảm đau lưng bằng cách làm tê liệt các cơ bị đau co thắt. Những mũi tiêm này có hiệu quả trong khoảng từ 3 - 4 tháng.
10. Phương pháp đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation - RFA)
Phương pháp này được áp dụng với cơ chế chặn các tín hiệu thần kinh gây đau bằng dòng điện tần số cao. Cách này giúp giảm chứng đau lưng mãn tính lâu hơn (trên 6 tháng hoặc hơn).
11. Phẫu thuật kích thích tủy sống
Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận rằng phẫu thuật này là một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân đau mạn tính ở vùng lưng hoặc chi mà không giảm đau với các phương pháp điều trị khác.
Một điện cực được đưa vào ngoài màng cứng tủy sống sau đó được nối với một máy phát xung đặt dưới da nhằm kích thích sừng sau tủy sống bằng những xung điện để kiểm soát các cơn đau ở cột sống hay đau theo rễ thần kinh.
12. Phẫu thuật giải áp thắt lưng xâm lấn tối thiểu (Minimally invasive lumbar decompression)
Phẫu thuật này áp dụng với chứng hẹp cột sống thắt lưng do mô dây chằng phát triển quá mức và được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ không cần gây mê toàn thân và không cần khâu.
13. Bơm xi măng sinh học
Hiện nay, bơm xi măng sinh học là phương pháp điều trị ít xâm lấn, có nhiều ưu điểm. Bơm xi măng sinh học có bóng và không bóng kyphoplasty vào đốt sống xẹp có tác dụng hàn gắn ổ gãy trong đốt sống, làm vững đốt sống.
Với người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền việc trải qua một cuộc phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Kỹ thuật bơm xi măng sinh học với nhiều ưu điểm vượt trội, khắc phục những hạn chế của phương pháp trước đây như: vết chọc kim nhỏ, thời gian làm thủ thuật rút ngắn, không đau, làm bền vững thân đốt sống, không cần gây mê, không mất máu. Sau thủ thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh và giảm các biến chứng do nằm lâu.
Mức độ nghiêm trọng, thời gian và khả năng cơn đau lưng của bạn sẽ tự khỏi đều phụ thuộc vào tình trạng cơ bản gây ra cơn đau của bạn. Đau lưng cấp tính có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, cơn đau lưng bán cấp có thể kéo dài 4–12 tuần hoặc cơn đau lưng mãn tính có thể kéo dài hơn 12 tuần.
Khi nào đau lưng cần thăm khám bác sĩ?
Một số triệu chứng đau lưng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn cần được chú ý ngay lập tức. Hãy đến gặp bác sĩ nếu cơn đau của bạn không cải thiện trong vòng vài tuần hoặc sau một chấn thương hoặc nếu bạn cũng có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Yếu hoặc tê, đặc biệt là ở chân
- Cơn đau dữ dội không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc
- Khó tiểu
- Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ
- Sốt
- Giảm cân bất thường
- Đau ngực
- Cơn đau khiến bạn khó ngủ, mất ngủ
- Đau lưng nặng hơn khi ho, hắt hơi hoặc đại tiện.