pnvnonline@phunuvietnam.vn
13 điều nên và không nên làm khi gia đình có người bị ốm
Khi trong gia đình có một thành viên bị bệnh, đặc biệt là các bệnh có nguyên nhân do virus, vi khuẩn rất dễ lây lan tới các thành viên khỏe mạnh còn lại, kể cả đó là trẻ nhỏ hay người cao tuổi. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh khỏi việc lây nhiễm khi trong nhà có người bị ốm nhưng có một số biện pháp giúp giảm thiểu rủi ro không mong muốn này.
Nếu người khác bị bệnh (ốm), bạn nên làm gì?
Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm bằng cách:
1. Rửa tay thường xuyên
Vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua mắt, mũi, miệng khi tay bạn vô tình chạm phải bề mặt mà người bệnh tiếp xúc.
Ngoài những thời điểm thông thường mà bạn nên rửa tay chẳng hạn như trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì khi trong nhà có người bị ốm, bạn nên rửa tay thường xuyên hơn, đặc biệt là khi vừa chạm vào những bề mặt mà người bị ốm dễ dàng tiếp xúc như tay nắm cửa, các thiết bị điện tử, bàn bếp, tủ lạnh…
Bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn nhưng nhìn chung việc rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 giây vẫn được đánh giá là biện pháp loại bỏ vi trùng trên tay tốt nhất. Đừng quên rửa các kẽ ngón tay, dưới móng tay. Và, bất cứ khi nào cũng nên hạn chế việc chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
2. Vệ sinh đồ chơi sạch sẽ
Khi trong nhà có trẻ bị ốm, hãy định kỳ vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng dung dịch vệ sinh đồ chơi cho trẻ và nước sôi. Bạn có thể sử dụng máy rửa chén, máy giặt nếu có chế độ khử khuẩn rồi sấy khô lại.
3. Vệ sinh các bề mặt
Để ngăn chặn sự lây lan của vi trùng gây bệnh thì bạn cần đảm bảo làm sạch và khử trùng các bề mặt như mặt bàn, tay nắm tủ lạnh, tay nắm cửa, vòi rửa, điều khiển ti vi, máy tính xách tay, máy tính bảng và cả điện thoại nữa.
Một số loại vi trùng có thể sống ở trên bề mặt tới 24 giờ nên bạn hãy sử dụng dung dịch khử trùng hoặc khăn lau khử trùng để có thể làm sạch hoàn toàn.
Theo CDC, hãy sử dụng găng tay dùng một lần trong quá trình này. Bằng cách lau sạch, bạn sẽ loại bỏ vi trùng về mặt vật lý, đồng thời sử dụng dung dịch khử trùng sẽ tiêu diệt mọi vi trùng còn sót lại.
4. Sử dụng đồ dùng 1 lần
Nếu có thể hãy sử dụng đồ dùng một lần trong nhà khi có người bị ốm, chẳng hạn như bát, đũa, cốc uống nước, cốc súc miệng, khăn lau bằng giấy thay cho khăn lau bằng vải…
Nếu không, đừng quên khử trùng lại các đồ dùng cá nhân và ăn uống của người ốm bằng nước sôi và dung dịch khử trùng.
5. Giữ khoảng cách
Mặc dù rất khó để người bệnh hoàn toàn ở trong phòng cách ly khi bị ốm và sẽ khó hơn nữa nếu bạn là người chăm sóc. Nhưng đôi khi điều tốt nhất mà bạn có thể làm là giữ khoảng cách an toàn, yêu cầu người ốm đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình.
Hãy để người ốm được nghỉ ngơi, người duy nhất nên ra vào phòng của người bệnh là người chăm sóc. Bạn nên chuẩn bị sẵn các đồ dùng cá nhân cần thiết cho người ốm như khăn giấy dùng 1 lần, cốc uống nước, nước uống, thùng rác, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn...
Tránh hôn, ôm và bắt tay với người bị bệnh. Cảm lạnh và nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác lây lan qua đường giọt bắn. Điều đó có nghĩa là vi trùng sống và lây lan qua nước bọt và dịch tiết mũi của bạn, và việc tiếp xúc gần gũi có thể khiến bạn tiếp xúc với những vi trùng đó.
6. Củng cố hệ miễn dịch của bản thân
Để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bệnh tật lây nhiễm ngay bên cạnh thì bạn vẫn phải tiếp tục nâng cao hệ miễn dịch của mình bằng cách tăng cường trái cây, rau xanh giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, rau bina; vitamin C như trái cây họ cam quýt; vitamin E như hạnh nhân, hạt hướng dương; protein nạc gồm hải sản, trứng, đậu…
Theo Healtline, một số men vi sinh có thể cải thiện sức khỏe đường ruột có liên quan tới thúc đẩy hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể cân nhắc sử dụng theo hướng dẫn như: Lactobacillus rhamnosus GG, Lactobacillus casei Shirota, Bifidobacterium animalis Bb-12, Lactobacillus johnsonii La1, Bifidobacterium lactis DR10 và Saccharomyces cerevisiae boulardii.
Ngoài ra, chú ý tới việc sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng và hạn chế uống rượu bia hay hút thuốc lá.
Với thực phẩm chức năng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ một loại thuốc bổ sung nào như vitamin C, Kẽm, Mangan, vitamin tổng hợp… Việc bổ sung không đúng cách có thể gây thừa chất và dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn.
7. Tiêm phòng cúm
Tiêm phòng cúm là một trong những điều cần làm không chỉ khi gia đình có người bị cúm. Bạn nên tiêm phòng cúm định kì mỗi năm một lần, tốt nhất là trước khi mùa cúm bắt đầu ít nhất 2 tuần để cơ thể đáp ứng miễn dịch ổn định. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiêm phòng cúm muộn không giúp ích gì cho sức khỏe.
Tiêm phòng cúm mặc dù không giúp bạn tránh hoàn toàn việc mắc bệnh nhưng có thể giúp giảm thời gian hồi phục cũng như rủi ro tăng nặng. Ngoài ra, tiêm nhắc lại mũi cúm hàng năm giúp bạn cập nhật được vaccine phòng ngừa các chủng cúm mới lưu hành trong năm hiện tại - đem lại hiệu quả tích cực hơn.
Bên cạnh vaccine cúm thì vaccine ngừa phế cầu, Covid-19 cũng cần được tiêm đầy đủ theo lịch tiêm chủng.
8. Không nên làm gì khi trong nhà có người bị ốm?
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước, quần áo; không ăn chung đồ ăn với người bị bệnh
- Đừng quên bỏ đi bàn chải đánh răng sau khi người ốm đã khỏe trở lại, trong thời gian ốm, để bàn chải đánh răng của người bệnh tách biệt với bàn chải đánh răng của các thành viên khác trong gia đình
- Không dùng chung chăn, gối với người bệnh
- Không cho trẻ khỏe mạnh dùng chung đồ chơi với trẻ bị ốm, nếu có, hãy đảm bảo bạn đã khử trùng đồ chơi cẩn thận
- Không cắn móng tay, không dụi mắt... tránh tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Nếu bạn là người bị ốm, bạn nên làm gì?
Ngoài những cách kể trên đều cần áp dụng kể cả khi người ốm là bạn thì bạn có thể bổ sung thêm những biện pháp dưới đây để bảo vệ các thành viên khác trong gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bạn:
9. Che miệng
Che miệng của bạn lại khi ho, hắt hơi… nên sử dụng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay để đảm bảo an toàn thay vì bàn tay.
10. An toàn rác thải, chất thải cá nhân
Khi sử dụng khăn giấy để xì mũi hay che miệng khi ho và hắt hơi, bạn nên vứt bỏ khăn giấy vào thùng rác riêng. Việc để khăn giấy đã qua sử dụng khi bị ốm rải rác trong phòng hay trong nhà đều tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng gây bệnh lây nhiễm sang cho người khỏe mạnh.
Tương tự với các chất thải của bản thân, người ốm nên vệ sinh sạch sẽ bồn cầu sau khi sử dụng, đậy nắp lại trước khi xả nước - điều này tránh cho vi trùng bay vào trong không khí nhiều hơn.
11. Đeo khẩu trang
Như đã nói ở trên, việc đeo khẩu trang không chỉ cần thiết cho người chăm sóc mà cả người bị ốm cũng nên thực hiện biện pháp này.
Đeo khẩu trang ôm khít khuôn mặt khi bạn cần phải tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình ở khoảng cách gần, đặc biệt là khi trong gia đình có trẻ mới sinh hoặc trẻ nhỏ.
12. Cách ly bản thân
Hãy cố gắng ở trong một không gian riêng và hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình tới khi các triệu chứng đã được loại bỏ hoàn toàn - hay nói cách khác là càng lâu càng tốt. Nếu ở trong cùng một phòng, hãy giữ phòng thông thoáng, sử dụng máy lọc không khí, mở cửa sổ nếu được và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m cũng như các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác kể trên.
13. Khi nào cần thăm khám bác sĩ
Đôi khi ngay cả những nỗ lực bảo vệ bản thân tốt nhất cũng không ngăn ngừa được việc bị lây bệnh khi gia đình có người bị ốm, Nên việc chú ý tới những dấu hiệu bất thường của cơ thể để thăm khám bác sĩ sớm cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Chẳng hạn, nếu bạn bị cảm lạnh, triệu chứng tăng nặng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm trong 10 ngày, bạn sốt cao hơn không đáp ứng thuốc hay bị khó thở, tức ngực… đều là những dấu hiệu cho thấy cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Đôi khi bệnh có thể gây biến chứng nặng nề tới sức khỏe khi không được can thiệp kịp thời.