pnvnonline@phunuvietnam.vn
16 nguyên nhân gây đau ngực trái và dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim nguy hiểm
Ảnh minh họa
Đau ngực trái là cơn đau có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người lớn tuổi, người đang sẵn có hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Vậy nguyên nhân gây đau ngực trái là gì? Đây có phải là cơn đau cảnh báo một cơn đau tim?
Dưới đây là một số thông tin về cơn đau ngực trái mà bạn cần biết, theo Healthline:
1. Nguyên nhân gây đau ngực trái là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau ngực trái phổ biến, có những nguyên nhân lành tính nhưng cũng có những nguyên nhân có thể đe dọa tới tính mạng:
- Đau thắt ngực
Chứng đau thắt ngực là một hội chứng lâm sàng về cảm giác khó chịu hoặc áp lực trước thời gian do thiếu máu cơ tim thoáng qua mà không phải do nhồi máu.
Đau thắt ngực có thể là triệu chứng của nhiều bệnh tim nhưng đây thường là triệu chứng của bệnh tim mạch vành. Cơn đau ngực bên trái thường kèm theo đau cánh tay trái, vai trái, bên trái cổ và bên trái hàm. Đôi khi một số trường hợp có thể bị khó chịu hoặc đau đớn ở lưng. Cơn đau có thể kéo dài khoảng 5 - 10 phút.
Đau thắt ngực thường gặp ở những người bị huyết áp cao, người nghiện thuốc lá,...
- Đau tim (nhồi máu cơ tim)
Một số cơn đau tim bắt đầu bằng cơn đau ngực nhẹ phát triển chậm với cảm giác như bị đè nặng hay ép ở ngực hoặc cũng có thể là những cơn đau ngực trái dữ dội và đột ngột hay cơn đau ở giữa ngực.
Ngoài đau ngực trái thì các triệu chứng khác của đau tim cần chú ý để được cấp cứu sớm bao gồm:
+ Đau cánh tay hoặc đau lưng
+ Đau cổ hoặc đau hàm dưới
+ Cảm giác mệt mỏi bất thường không giải thích được
+ Ngất xỉu
+ Buồn nôn, vã mồ hôi
+ Khó thở và thở khò khè, ho
+ Phù nề ở mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối hoặc ở dạ dày
+ Vận động khó khăn, khó làm chủ vận động hay các thao tác sinh hoạt thường ngày vẫn làm như đi bộ, lên cầu thang, thay quần áo,...
+ Tim đập nhanh hoặc đập không đều, đôi khi làm cảm giác hụt nhịp tim.
- Viêm cơ tim
Viêm cơ tim là tình trạng một tình trạng viêm có kèm theo hoại tử các tế bào ở cơ tim do nhiều nguyên nhân như virus (như rubella; virus gây bệnh viêm gan B, C;...) hoặc vi khuẩn (như khuẩn tụ cầu, liên cầu khuẩn, trực khuẩn gây bệnh bạch hầu,...) hay do nấm (như nấm Candida, nấm Aspergillus,...).
Viêm cơ tim có thể gây đau tức ở phần ngực trái cùng các triệu chứng khác của rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, khó thở, đau nhức đầu, đau cơ, chảy nước mũi, tiêu chảy, ăn uống kém. Đặc biệt tình trạng khó thở sẽ nghiêm trọng hơn sau 1 - 2 ngày. Ở những trường hợp viêm cơ tim nghiêm trọng, người bệnh có thể bị tái nhợt da, tụt huyết áp không đo được hoặc sốc tim.
- Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là một rối loạn nguyên phát của cơ tim ở bắp thịt trên thành tim, được chia thành 3 loại dựa trên các đặc điểm bệnh lý đặc trưng bao gồm: Bệnh cơ tim giãn, phì đại và cơ tim hạn chế. Khi cơ tim trở nên dày lên, tăng kích thước hoặc chai cứng lại sẽ khiến tim gặp khó khăn trong việc co bóp và ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn máu dẫn tới các biến cố tim mạch.
Khi mắc bệnh cơ tim, cơn đau ngực trái có thể xuất hiện cùng với các biểu hiện khác như khó thở khi lao động nặng nhọc, khó thở khi căng thẳng; ho khi nằm xuống; luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi và yếu đuối; phù nề xuất hiện ở mắt cá chân và bàn chân.
- Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim xảy ra khi màng mỏng bao quanh tim bị viêm, ứ dịch do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, chấn thương, đau tim, khối u hay các rối loạn chuyển hóa.
Cơn đau do viêm màng ngoài tim thường xảy ra đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn, đó có thể là cảm giác đau nhói hoặc đau như bị đâm xuyên giữa ngực hoặc bên trái tim; cảm giác này đặc biệt dữ dội hơn khi hít vào.
Các triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim có thể kể đến như cảm giác khó thở khi nghiêng người về phía trước, đánh trống ngực, cảm giác mệt mỏi, ốm yếu, ho, phù chân, bụng sưng,... Tùy vào từng mức độ viêm và thời gian mắc bệnh mà các triệu chứng viêm màng ngoài tim cũng có những khác biệt nhất định.
- Cơn hoảng loạn
Một cơn hoảng loạn có thể xảy ra đột ngột và có xu hướng đạt đỉnh trong 10 phút. Cơn hoảng loạn có thể dẫn tới đau ngực trái tương tự như cơn đau tim. Tuy nhiên xét về mức độ thì đau ngực trái do hoảng loạn thường nhẹ hơn mà không có cảm giác bị tì đè nặng như đau tim gây ra.
Người bị hoảng loạn cũng có thể gặp triệu chứng khác như ngứa ran khắp cơ thể.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày - thực quản có thể gây ợ nóng và trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản. Trong số các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản như đau rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn và nôn mửa, khó nuốt, ho, khàn tiếng, tăng tiết nước bọt,... thì cơn đau tức ngực trái cũng có thể xảy ra và rất dễ bị nhầm lẫn với một cơn đau tim.
Cơn đau do GERD sẽ tồi tệ hơn khi bạn ho hoặc thở, đau thuyên giảm bằng cách ngồi lên chứ không phải nằm xuống.
- Thoát vị hoành
Thoát vị hoành là một tình trạng các tạng ở ổ bụng như dạ dày, ruột non, lách di chuyển ngược lên trên lồng ngực thông qua các vị trí khuyết ở cơ hoành (lỗ sau hoặc bên trái cơ hoành) thường gặp ở người trên 50 tuổi hoặc nữ giới bị béo phì.
Các triệu chứng thoát vị hoành bao gồm đau ngực, ợ nóng, đầy hơi, khó chịu ở dạ dày hoặc thực quản, buồn nôn và nôn mửa, bí đại tiện hoặc trung tiện.
- Các vấn đề về thực quản
Các vấn đề về thực quản như co thắt cơ, viêm thực quản hoặc rách, vỡ thực quản cũng có thể gây đau ngực trái và rất dễ nhầm lẫn với cơn đau tim. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt, thở gấp, nôn mửa do thức ăn cùng chất lỏng từ miệng bị rò rỉ vào tràn vào ngực và xung quanh phổi.
- Chấn thương cơ xương thành ngực
Đau tức ngực trái có thể là kết quả của việc cơ ngực bị căng kéo quá mức hoặc bong gân xảy ra, thậm chí là gãy xương. Để chấn thương lành hoàn toàn có thể mất tới 10 tuần và cần phải kiêng hoạt động mạnh.
Các triệu chứng nhận biết chấn thương cơ xương khác có thể kể đến như sưng đau vùng cơ xương bị tổn thương, cơn đau nghiêm trọng hơn khi hít vào hoặc cử động mạnh, trên da ngực xuất hiện các vết bầm tím.
- Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là tình trạng khí trong khoang màng phổi gây xẹp một phần hay xẹp toàn bộ phổi. Triệu chứng điển hình của một bệnh nhân bị tràn khí màng phổi là sự suy giảm chức năng hô hấp và các dấu hiệu toàn thân do thiếu oxy tuần hoàn.
Đau ngực rất phổ biến khi tràn khí màng phổi xảy ra. Cơn đau ngực có thể nghiêm trọng hơn khi hít thở và khởi phát đột ngột khiến người bệnh phải thở gắng sức để cung cấp oxy cho cơ thể. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở, choáng váng, người tái xanh, tụt huyết áp, tay chân lạnh hơn, mạch đập nhanh và nông.
- Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus, nấm gây nên.
Viêm phổi gây ra các cơn đau ngực dữ dội hoặc đau nhói trầm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc khi ho.
- Ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư khởi phát từ phổi với các triệu chứng như ho kéo dài, ho có đờm đặc hoặc lẫn máu, khàn tiếng, thở hụt hơi, thở khò khè, cơ thể suy nhược và mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Trong đó, đau ngực do ung thư phổi có thể gặp nhưng thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu và dễ bị nhầm lẫn. Chẩn đoán ung thư phổi cần được thực hiện càng sớm càng tốt để cho hiệu quả điều trị cao.
- Tăng áp lực động mạch phổi
Hay còn gọi là tăng áp phổi là tình trạng tăng huyết áp trong động mạch phổi với triệu chứng điển hình là khó thở, đau ngực, phù chân, tim đập nhanh.
- Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi hay còn gọi là tắc mạch phổi xảy ra khi quá trình đông máu bị rối loạn dẫn tới sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông ở một vị trí khác trong cơ thể bị vỡ ra rồi trôi nổi tự do trong hệ tuần hoàn tới động mạch phổi và dẫn tới sự tắc nghẽn đột ngột của dòng máu lưu thông tại khu vực đó.
Bệnh nhân bị thuyên tắc phổi thường có cảm giác đau không rõ nguyên nhân ở ngực, cánh tay, vai, cổ hay hàm với mức độ đau khác nhau ở mỗi người. Kèm theo đó là cảm giác khó thở đột ngột và dữ dội, ho lẫn đờm, ho có lẫn máu, da ẩm ướt, nhịp tim nhanh trên 90 lần mỗi phút, ngất xỉu,...
- Bóc tách động mạch chủ
Đây là hiện tượng máu chảy qua một vết rách ở nội mạc động mạch chủ làm tách rời lớp áo giữa và lớp áo trong, tạo ra một lòng mạch giả (kênh). Đây là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
2. Khi nào đau ngực trái cần thăm khám bác sĩ?
Việc điều trị đau ngực trái sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì. Một số điều trị triệu chứng nhẹ như ợ nóng có thể giảm nhẹ bằng thuốc không kê đơn nhưng những nguyên nhân nghiêm trọng hơn sẽ cần điều trị y tế, đôi khi là cấp cứu hoặc phẫu thuật. Các tình trạng như đau tim, thuyên tắc phổi, bóc tách động mạch chủ,... là những trường hợp khẩn cấp cần thăm khám bác sĩ. Cần dựa vào những dấu hiệu từng bệnh để di chuyển tới cơ sở y tế kịp thời.
Cần phân biệt được đâu là cơn đau ngực do cơ và đau ngực do tim. Đau tim có thể gây ra cảm giác ngực bị thắt chặt hoặc đè nặng lên ngực. Đôi khi cơn đau lan tới cổ, hàm, cánh tay và vai kèm theo khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn và nhịp tim không đều. Cơn đau xuất phát từ tim sẽ không có xu hướng thuyên giảm khi hít thở sâu và thậm chí có thể nghiêm trọng hơn khi hoạt động gắng sức.
Trong khi đó, cơn đau ngực do căng cơ xảy ra khi cơ ngực bị sử dụng quá mức gây ra cảm giác đau nhói hoặc nhức mỏi. Khi chạm vào sẽ có cảm giác đau. Nếu cơ bị căng nằm gần phổi, triệu chứng có thể tệ hơn khi ho, hít thở hoặc cử động.
Ngoài ra, cần luôn nhớ rằng bất kì một cơn đau ngực nào, bao gồm cả đau ngực trái xảy ra đột ngột đều là một triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu đau ngực kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, thở gấp, đau thắt ngực,...