pnvnonline@phunuvietnam.vn
19 tuổi, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Daniella Pierson
Đi lên từ số 0
Khi là sinh viên năm thứ hai tại trường Đại học Boston năm 2015, nhà sáng lập người Mỹ gốc Latinh Daniella Pierson không thể có thời gian truy cập các trang web yêu thích. Do đó, cô quyết định tạo ra một bản tin để sắp xếp nội dung về văn hóa, kinh doanh, sắc đẹp và sức khỏe mà cô và bạn bè muốn đọc. Khi đó, cô thường in các bản tin này và đặt chúng ở các khu vực chung hay hành lang của các tòa nhà xung quanh trường. Sau khi tốt nghiệp, Pierson mới bắt đầu thu hút quảng cáo. Cô bắt đầu tập trung vào cung cấp quảng cáo trên trang The Newsette và thu về khoảng 20.000 USD cho một hợp đồng.
Tại The Newsette, trang tin tức hằng ngày về kinh doanh, văn hóa, sức khỏe và sắc đẹp, các chính sách tuyển dụng nhân sự dường như phá vỡ những quy tắc truyền thống. Với The Newsette, những lời giới thiệu nhân sự có thể được trả mức "thù lao" lên tới 10.000 USD nếu ứng viên phù hợp và được tuyển dụng vào làm. Newsette có khoảng 500.000 người theo dõi, trong đó hầu hết là phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi ở các thành phố ven biển tại Mỹ. Nội dung trang tin khá đa dạng, từ tin tức, mẹo chăm sóc bản thân và làm đẹp, những bài đăng nổi bật trên mạng Instagram đến các bài phỏng vấn những nhân vật nữ có tầm ảnh hưởng. Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 40 triệu USD và lợi nhuận thu về gần 10 triệu USD. Mới đây, cô bán một số cổ phần trong The Newsette cho một nhà đầu tư trong giao dịch định giá công ty ở mức 200 triệu USD. Hiện cô vẫn là cổ đông lớn của công ty.
Với chiến lược sử dụng quà tặng và nhờ các blogger nổi tiếng quảng bá về The Newsette trên trang cá nhân, Pierson đã thực sự thành công khi thu về lượng lớn lượt người theo dõi chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn lực từ cộng đồng độc giả của The Newsette cũng giúp công ty nhanh chóng phát triển. Chính những bạn đọc thân thiết trở thành nhà tài trợ cho các hoạt động của trang tin, đồng thời kết nối The Newsette với công ty nơi họ đang làm việc để triển khai nhiều dự án kinh doanh. Điều thú vị là bản thân Pierson không học nghề báo và chưa từng làm việc cho bất kỳ công ty nào.
Bản tin miễn phí ngày nào giờ đây giúp Pierson kiếm bộn tiền. Cô cho biết doanh thu tăng từ 1 triệu USD năm 2019 lên 7 triệu USD năm 2020. Dẫu khi dịch bệnh COVID-19 vẫn là mối đe dọa của toàn cầu, doanh thu của The Newsette tiếp tục tăng lên 40 triệu USD năm 2021 từ các đối tác và nhà quảng cáo, bao gồm: Bumble, Fidelity, Old Navy, Twitter và Walmart. Cô lọt vào danh sách "Under 30" của Forbes ở hạng mục "Truyền thông" năm 2020 khi mới 25 tuổi.
Năm 2020, cô còn thành lập công ty sáng tạo Newland, nơi tạo ra các kênh TikTok cho khách hàng cũng như giúp tìm kiếm những người có ảnh hưởng để tiếp thị thương hiệu năm 2020. Công ty thực hiện chiến dịch tiếp thị đầu tiên cho Amazon vào Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm 2020, nêu bật 20 doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ. Cô cũng là người đồng sáng lập kiêm CEO của startup sức khỏe tâm thần Wondermind cùng với ca sĩ kiêm diễn viên Selena Gomez và Mandy Teefey (CEO của Kicked to the Curb Productions, cũng là mẹ của Gomez).
Theo ước tính của Forbes, cổ phần của cô trong công ty đó, kết hợp với tiền mặt và các khoản đầu tư khác mà cô thực hiện, tạo ra khối tài sản của Pierson trị giá 220 triệu USD. "Tôi không phải hình mẫu lý tưởng của một nữ doanh nhân thành đạt nhưng hy vọng câu chuyện của tôi sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác", cô tâm sự.
Chiến thắng bệnh tật
Mẹ Daniella Pierson sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Colombia. Sau nỗ lực, mẹ cô trở thành bác sĩ phẫu thuật hàm mặt. Còn cha cô là chủ đại lý xe hơi ở Jacksonville, Florida (Mỹ), nơi Pierson trưởng thành.
" Tôi không muốn bất kỳ ai có vấn đề về sức khỏe tâm thần đều nghĩ mình không thể đạt được thành công. Tôi muốn cho thế giới thấy ai cũng có thể thành công theo cách riêng của mình".
Daniella Pierson
Khi còn nhỏ, Pierson hay bị mất ngủ, lúc nào cũng có cảm giác lo lắng, bồn chồn về một điều gì đó. Tới khi lên bậc trung học có môn chăm sóc sức khỏe học đường, Pierson mới biết mình bị chứng rối loạn tâm thần (Obsessive-compulsive disorder - OCD). Pierson không điều trị OCD cho đến khi học năm cuối đại học. Điểm trung bình của cô thấp dưới 2,0 trong học kỳ thứ hai khi học năm 3 đại học làm cô lo lắng bị đuổi khỏi trường nếu điểm số không tăng. "Ngoài thói quen nhìn xuống giường để dễ ngủ, tôi thường đập tay xuống đất đến nỗi tay bắt đầu chảy máu", cô nhớ lại.
Bệnh của Pierson ngày càng nặng thêm, kèm theo chứng trầm cảm. Cô đã khóc rất nhiều suốt 3 tháng trời. Biết mình cần phải được giúp đỡ nhưng lúc ấy cô không tin vào các nhà trị liệu, cứ âm thầm chịu đựng. Khi kiếm được một khoản tiền từ The Newsette, cô có tiền đi khám bệnh, trả cho bác sĩ kê đơn Prozac, cùng với liệu pháp nhận thức hành vi, giúp cải thiện tình trạng. Sức khỏe của cô khá lên, sức học từ đó cũng thay đổi và hầu hết các môn học của cô đều đạt điểm A. Cô cho biết chứng OCD đã tiến triển chứ không biến mất. Cô không chỉ học được cách giải quyết mà còn hy vọng trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác.