2 bé mồ côi chăm ông nội liệt nửa người

26/09/2016 - 10:13
Trong ngôi nhà nhỏ khuất sau rặng tre ở xóm Múc, 2 chị em mồ côi Linh và My ngoài giờ học về đang phải làm vườn, chăn bò, nấu cơm, ra đồng giúp bà và chăm ông. Giờ ông bà và các cháu dựa vào nhau, bữa đói bữa no nhưng nay mai già yếu...

Vợ chồng anh Dương Văn Liệu và chị Nông Thị Như bị mất vì tai nạn giao thông, để lại 2 con nhỏ cùng người ông nội ngoài 70 tuổi bị tai biến, phải nằm liệt giường.

Ngôi nhà nhỏ khuất sau rặng tre ở xóm Múc (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) khá yên tĩnh. Bà Nguyễn Thị Thụy (SN 1948), bà nội của 2 cháu Dương Văn Linh (13 tuổi) và Dương Thị Trà My (11 tuổi), đang còng lưng dùng băng dính to bản dán lại những mảnh kính vỡ của chiếc bàn uống nước cũ kỹ. Bà Thụy tâm sự: “Bàn vỡ hết rồi, nhưng cả nhà chỉ còn chỗ ngồi tiếp khách này thôi”.

Vừa rửa bát xong, My vào giường ngồi bóp tay chân cho ông nội. Từ ngày con trai và con dâu cùng tử nạn do tai nạn giao thông, sức khỏe của ông Dương Văn Độ (SN 1943) ngày càng suy yếu. Tháng 3 vừa rồi, ông bị tai biến, liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ, không nói được, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người vợ già yếu cùng 2 cháu nhỏ.

Cháu Linh và My chăm sóc ông nội

Bà Thụy kể lại, ngày 25/10/2015, anh Dương Văn Liệu (SN 1977) và chị Nông Thị Như (SN 1980) trên đường từ Thái Nguyên lên huyện Na Rì (Bắc Kạn), quê chị Như, để làm đám giỗ cho bố chị thì gặp tai nạn.

Xe máy do anh Liệu điều khiển vượt xe container, vì không chú ý quan sát nên đã đâm trực diện vào xe ô tô 7 chỗ chạy ngược chiều khiến chị Như tử vong tại chỗ. Anh Liệu được đưa về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.

Anh Liệu và chị Như quen nhau ở Na Rì năm 2000 khi anh đi làm công nhân mở đường. Năm 2001, anh đưa chị về nhà chung sống rồi 2 đứa con xinh xắn lần lượt ra đời. Chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ, lương tháng được gần 6 triệu đồng. Năm 2009, anh chị bán đi 2 sào ruộng và vay mượn thêm để xây nhà. Họ ra đi khi tiền xây nhà vẫn chưa trả hết, lại thêm món nợ 10 triệu đồng mua xe máy chưa trả được.

Bà Thụy lo lắng: “Cháu Linh và My ngoài giờ học thì về làm vườn, chăn bò, nấu cơm, ra đồng giúp bà và chăm ông. Giờ ông bà và các cháu dựa vào nhau, bữa đói bữa no nhưng nay mai già yếu, làm sao tôi nuôi nổi các cháu nữa đây?”.

Mọi sự trợ giúp xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Thụy, xóm Múc (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), ĐT: 0967.519487. Hoặc Báo PNVN-TGPN, số 47 Hàng Chuối, Hà Nội. Số tài khoản: 102010000016663, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chúng tôi sẽ chuyển sự giúp đỡ của bạn đọc tới gia đình 2 cháu.

* Đối tượng mà Mottainai 2016 hướng tới là những trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông. Mong sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái cùng Báo Phụ nữ Việt Nam chung tay thực hiện chương trình thiện nguyện vô cùng ý nghĩa này qua việc kết nối tại đây hoặc qua fanpage của chương trình: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/?

Mọi thông tin về hỗ trợ các nạn nhân đề nghị liên hệ: Chị Nguyễn Kim Khanh, Chánh văn phòng, ĐT: 0989059189; hoặc 0439713500.

- “Mottainai” xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có từ xa xưa, có ý nghĩa là “Lãng phí quá!”. Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực...) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

- Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

- Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong “4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa”.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm