2 chú cháu hàng chục năm tận tụy 'vác tù và hàng tổng'

26/06/2019 - 21:54
Đến phố Hàng Nón (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hỏi ông Trần Huy Quang, tổ trưởng tổ 25, hầu như người dân nào cũng biết bởi ông đã có thâm niên làm tổ trưởng tổ dân phố… 62 năm. Cháu gái ông Quang là bà Trần Thị Huề cũng hơn 20 năm hoạt động đoàn thể.

Làm thơ để chạm đến trái tim mọi người

Ông Quang kể bắt đầu làm tổ trưởng từ thời còn thanh niên (18 tuổi) khi tham gia Ban chấp hành Đoàn, làm giáo viên bình dân học vụ. Gián đoạn 2 năm do đi bộ đội, nay ở tuổi 83 nhưng ông vẫn giữ được lửa nhiệt huyết với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này.

Trải qua gần 20 nhiệm kỳ lãnh đạo phường, cũng có lúc ông muốn nghỉ để người khác làm nhưng trước sự tín nhiệm của bà con nên ông lại nhiệt tình làm và ngoảnh đi ngoảnh lại thâm niên làm tổ trưởng giờ đã lên tới 62 năm.

“Làm tổ trưởng tổ dân phố phải là người gần dân, nắm vững hoàn cảnh của từng gia đình, từng đối tượng để giúp đỡ họ hoặc tham mưu với cấp trên có hỗ trợ kịp thời.”

Không chỉ làm tổ trưởng dân phố, ông Quang còn làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, vận động 40 đến 50 triệu đồng/năm để giúp đỡ người già cô đơn, tàn tật và những hoàn cảnh khó khăn. Năm nào, ông cũng tổ chức đi từ thiện ở trại Tây Đằng (huyện Ba Vì), thăm, tặng quà người già cô đơn, người bệnh thần kinh và trẻ em tàn tật.

ong-quang.jpg
Ông Trần Huy Quang, làm tổ trưởng dân phố từ năm 18 tuổi đến nay

Việc huy động kinh phí cho các hoạt động xã hội, từ thiện ngày càng khó nhưng ông Quang chia sẻ quan điểm, tôi thuyết phục mọi người rằng việc chia sẻ tình nghĩa quý lắm và tấm lòng làm việc ý nghĩa cũng sẽ đọng lại rất lâu. “Tôi có thói quen làm thơ khi vận động mọi người tham gia hoạt động nào đó. Bài thơ dễ hiểu, dễ thuộc và các chị em phụ nữ sẽ ngâm thơ sẽ dễ dàng chạm đến trái tim mọi người”. Theo thống kê, đến nay ông Quang đã sáng tác hơn 1.600 bài thơ để phục vụ công tác tuyên truyền…

Địa bàn rộng, phức tạp, nhận thức của người dân không đồng đều nhưng ông Quang có một bí quyết để vận động được mọi người, đó là: Chỉ cần ứng xử tình cảm và khéo léo.

Nhiều hộ dân trên địa bàn khó khăn, nghèo cần tiền đi khám chữa bệnh, ông sẵn sàng giúp, hoặc có hộ thiếu tiền điện, ông lại mở túi cho vay. Bà con đau yếu được ông tới tận nhà thăm hỏi và hướng dẫn cách xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh.

“Ngày nào tôi cũng cùng bà con ở CLB Bắc Sơn tập dưỡng sinh 2 buổi. Bà con khỏe mà bệnh tật trong người mình cũng “bay” hết. Trước tôi bị viêm xoang suốt 25 năm, huyết áp không ổn định, nhiều bệnh lắm nhưng nhờ kiên trì tập luyện nên tuổi đã cao mà vẫn khỏe mạnh”- ông Quang hào hứng chia sẻ.

Đừng hay câu nói làm đau lòng người

Suốt 62 năm “vác tù và”, ông Quang nhận được sự ủng hộ hết lòng từ vợ con. “Nhiều người thấy lạ vì tôi có thể hoạt động xã hội thời gian dài bằng cả đời người như vậy mà vợ con không ý kiến gì. Thực ra, rất đơn giản, khi mình hết lòng với gia đình, chăm lo mọi việc chu đáo nên vợ con rất ủng hộ”.

Giai đoạn khó khăn nhất là thời ông Quang vừa đi làm nhà nước, vừa tham gia hoạt động xã hội. “Hồi đó cứ hết giờ làm là tôi lại về làm giày ở nhà, quần quật từ khoảng 7 giờ tối đến tận 2-3 giờ sáng; 5 giờ sáng lại dậy đi làm. Ngày nào cũng đạp xe hơn 20km cả đi lẫn về. Những việc cần đến tổ trưởng dân phố tham gia thì tôi gác mọi việc lại để tập trung làm tốt việc xã hội”.

Khi dạy con, ông Quang cũng áp dụng quan điểm này, học và làm việc phải tập trung để làm thật chu đáo, không để mọi người có ý kiến. “Giúp được ai việc gì thì giúp, đừng hay câu nói làm đau lòng người, sống có tâm để mang đến niềm vui cho mọi người, cho đời”- đây là những điều mà ông Quang thường xuyên nhắc nhở các con.

2-chu-chau.jpg
Ông Trần Huy Quang và cháu gái Trần Thị Huề

Muốn con cái ngoan ngoãn, trong gia đình cha mẹ phải mẫu mực, anh em phải đoàn kết yêu thương. Tôi dạy con qua những việc làm thực tế trong cuộc sống hàng ngày, để các con hiểu “tốt việc đời, nhân nhiều đức”, ai cần mình đều giúp đỡ, không giúp được về vật chất thì giúp về tinh thần.

Có lẽ học được từ cha mẹ lối sống biết yêu thương, quan tâm đến mọi người cả ba người con của ông Quang, nay là các cháu nội ngoại đều ngoan ngoãn, học hành tốt và trở thành những công dân tốt.

Hôm tới gặp ông Trần Huy Quang, tôi còn tình cờ gặp bà Trần Thị Huề, cháu gọi ông bằng chú cũng có thâm niên hơn 20 năm hoạt động đoàn thể. Bà Huề chia sẻ: “Thấy chú tích cực với hoạt động xã hội, tuổi cao nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tôi cũng muốn học theo. Quả thật, khi tham gia các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Chữ thập đỏ, dân số… dù mất nhiều thời gian nhưng lại thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, có cơ hội chia sẻ với chị em giúp mình thấy khỏe ra, lạc quan yêu đời, không nghĩ nhiều đến chuyện chồng yếu, con cái làm ăn xa” - bà Trần Thị Huề chia sẻ.

* Chị Tôn Thúy Nga, con dâu của ông Trần Huy Quang: Tôi làm dâu đã 25 năm. Còn nhớ ngày mới về làm dâu, bố chồng tôi thường dặn “làm chị phải lành” (chồng chị Nga là con cả). Tôi học được từ bố chồng rất nhiều việc, đặc biệt là cách quan tâm, chăm sóc gia đình, nhường nhịn, chia sẻ với con cháu. Việc khó mấy, ông cũng điềm tĩnh xử lý, chứ không bao giờ nổi cáu. Với xã hội, ông cũng để ý, nhắc mọi từ những việc nhỏ nhất, rất quan tâm đến người già cô đơn trên địa bàn. Ông cũng luôn nhắc các con, cháu phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhà ai có khó khăn gì phải xúm vào giúp đỡ, san sẻ với nhau.

* Với sự nhiệt tình, năng nổ, làm tổ trưởng dân phố, tham gia hội chữ thập đỏ, người cao tuổi, cựu chiến binh, MTTQ… ông Trần Huy Quang được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm