2 cơ hội 'vàng' cho phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030

20/03/2019 - 18:59
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cơ hội để bứt phá trở thành “con rồng ở châu Á”, đây là giai đoạn có tính quyết định để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.
 
Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045” do Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức diễn ra sáng 19/3 tại Hà Nội.
 
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận tập trung đánh giá sâu về thực trạng nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn chiến lược vừa qua, nhận diện những xu thế thời đại, bối cảnh trong nước và quốc tế, đúc rút kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công và không thành công trong quá trình vượt bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao trong hai thập niên tới.
 
img_20190320_090623_1.jpg
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cơ hội để bứt phá trở thành “con rồng ở châu Á”, đây là giai đoạn có tính quyết định để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Để làm được điều này, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2030 dự tính phải đạt bình quân 7 – 7,5%/năm, cao hơn so với mức 6,3% trong giai đoạn 2011 – 2020.

 

Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình chiều rộng vì còn ít dư địa. Bên cạnh đó, phải thay đổi các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng hai cơ hội “vàng” là Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng. Trong đó, cần phải ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Ngoài ra, phải tập trung giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện “tăng trưởng xanh” bền vững.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, hội thảo lần này rất có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh mà chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
 
Trong đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - hai mốc rất quan trọng, tròn 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm lập nước (2045).
 
Mô hình tăng trưởng và chuyển đổi hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho tới nay. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mô hình tăng trưởng đã được chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, theo đó mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả mang tính bền vững; đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được phát triển thêm, nhưng lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng cả số lượng và chất lượng.
 
Đến Hội nghị Trung ương 4 năm 2016, Trung ương Đảng đã nhận diện cụ thể hơn về quan điểm mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả làm thước đo năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu.
 
Theo đó đầu tư xuất khẩu vào thị trường trong nước, chuyển dần gia tăng số lượng đầu vào sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Tại Hội nghị Trung ương 5 năm 2017, Trung ương Đảng chú trọng nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng này.
 
 
Vì vậy, nói đến mô hình tăng trưởng là nói đến tái cơ cấu nền kinh tế. Hai thành tố này gắn rất chặt với nhau, khi chúng ta hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, tái cơ cấu phát triển, lúc đó cần chú trọng đến yếu tố vĩ mô và các trọng tâm của tái cơ cấu.
 
 
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Trong 3 năm qua, chuyển đổi kinh tế cho thấy tín hiệu tích cực. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trọng tâm đã đạt được một số kết quả khả quan.
 
Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tăng mạnh, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi ngành nghề không phải ngành nghề kinh doanh chính. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi có đề án tái cơ cấu kinh tế, lãi suất tương đối ổn định và các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, kinh doanh có lãi.
 
Tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội đã giảm, tỷ trọng đầu tư công vào các lĩnh vực khai khoáng sau khi tái cơ cấu cũng giảm so với trước tái cơ cấu, và ngược lại đầu tư công vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tỷ trọng tăng. Ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công đang đạt được những bước tiến khả quan.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm