2 loại bóng bay cực nguy hiểm dễ cháy nổ

16/09/2016 - 16:35
9 người bị bỏng từ độ 1 đến độ 3, trong đó có nhiều trẻ em vào đúng đêm Trung thu tại Quảng Bình khiến nhiều người chưa hiểu tại sao bóng bay nổ lại gây nguy hiểm đến vậy?
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra nổ bóng bay. Cách đây hơn 2 năm, tại Tây Ninh cũng xảy ra một vụ nổ chùm bóng bay khiến 11 học sinh và 2 thầy giáo trường THCS Suối Dây (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) bị bỏng.

Trao đổi với PNVN, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, BV đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca bỏng do nổ bóng bay.

Lý giải tại sao bóng bay nổ gây nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Thống cho hay, bóng hay thổi bằng hơi người hay dùng bơm thì không thể nổ gây bỏng mà chỉ gây nổ khiến người chơi giật mình. Còn bóng bay được bơm khí hydro (hoặc acetylene), nếu nổ thì dễ gây cháy.

Khí hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay, thẩm thấu cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Đây là chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng. Khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần.
bong-bay-4.jpg
Nạn nhân bị bỏng sau vụ nổ bóng bay tại Quảng Bình
Lâu nay, các bậc phụ huynh thường mua bóng bay bơm khí trên, về cho trẻ chơi, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bóng bay bơm hydro không nên mang vào trong nhà, bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng, có thể phát nổ. Ngoài ra, khi cầm bóng bay ngoài trời nắng cũng có thể phát nổ, rất nguy hiểm.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hydro thường rẻ, lại giúp bóng bay cao nên dù nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn sử dụng để bơm bóng. Trong khi đó, để bóng bay được và an toàn, phải bơm khí hê li, không gây cháy nổ nhưng khí này có giá thành cao.
 
“Vùng bỏng nhiều nhất là mặt, tay, bởi đây là những vùng tiếp xúc gần với bóng bay. Tuy bỏng do nổ bóng bay không sâu như bỏng xăng, bỏng cồn… nhưng có khả năng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị kịp thời, dễ để lại di chứng. Chưa kể, nạn nhân hít phải khí hydro thường có biểu hiện buồn nôn, thậm chí hôn mê”, bác sĩ Nguyễn Thống cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thống, để chơi bóng bay an toàn, đặc biệt là trẻ em, tốt nhất cha mẹ hạn chế mua bóng bơm hydro cho trẻ. Nếu muốn chơi, cần tránh xa nguồn phát nổ như bóng đèn, lửa… Khi không may bị bỏng, nạn nhân cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất điều trị, không tự điều trị tại nhà theo các cách truyền miệng khiến bệnh nặng thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm