pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 loại virus "âm thầm nuôi dưỡng" tế bào ung thư có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng nhiều người bỏ qua

Virus là những vi sinh vật rất nhỏ. Hầu hết thậm chí không thể nhìn thấy bằng kính hiển vi thông thường. Virus được cấu thành từ một số lượng nhỏ gen dưới dạng DNA hoặc RNA được bao quanh bởi lớp phủ protein.
Một loại virus phải xâm nhập vào một tế bào sống và tiếp quản bộ máy của tế bào để sinh sản và tạo ra nhiều virus hơn.
Một số loại virus thực hiện điều này bằng cách chèn DNA (hoặc RNA) của chính chúng vào DNA (hoặc RNA) của tế bào chủ. Khi DNA hoặc RNA ảnh hưởng đến các gen của tế bào chủ, nó có thể đẩy tế bào phát triển bất thường tạo thành tế bào ung thư.
2 loại virus "âm thầm nuôi dưỡng" tế bào ung thư
Trên động vật thí nghiệm, người ta đã chứng minh khả năng sinh u của hàng trăm loại virus ARN và ADN khác nhau nhưng đến nay cũng chỉ mới có vài loại virus được xác nhận là có khả năng sinh u ở người (oncogen virus - virus sinh u).
Dưới đây là 2 loại virus phổ biến có liên quan tới ung thư ở người mà bạn có thể phòng tránh bằng cách tiêm vaccine để chống lại nhiễm trùng - trước khi người đó tiếp xúc với virus sinh u:
1. Virus u nhú ở người (HPV - Human papillomavirus)
Virus u nhú ở người (HPV) là loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới, phổ biến thường là type 6 và type 11 thường gây ra mụn cóc trên da, trong khi những loại HPV khác phát triển ở niêm mạc như miệng, họng hoặc âm đạo. Theo thống kê, có tới hàng chục loại HPV có thể phát triển thành ung thư.
Đường lây của HPV: Ngoài lây truyền qua đường tình dục thì virus HPV có thể lây thông qua tiếp xúc gián tiếp với các đồ dùng cá nhân nhiễm virus, da kề da ở các vùng như âm hộ, hậu môn, quan hệ bằng đường miệng.
HPV và ung thư: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phát hiện ra rằng 13 loại HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và ít nhất một trong số các loại này có thể gây ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và một số loại ung thư đầu và cổ (cụ thể là hầu họng, bao gồm phần sau của cổ họng, gốc lưỡi và amidan). Các loại HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục không giống với các loại HPV có thể gây ung thư.
Các type HPV nguy cơ cao phổ biến bao gồm: 16, 18, 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68 và 70. Trong đó, HPV type 16 và 18 chiếm 70% trong số tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung, HPV 16 gây ra gần 90% các trường hợp ung thư vòm họng dương tính với HPV, 60% - 90% các loại ung thư hầu họng, âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn cũng có liên quan đến HPV type 16 và 18.
Các yếu tố lối sống kém lành mạnh như hút thuốc hoặc các bệnh viêm nhiễm sinh dục khác cũng có thể kết hợp với virus HPV và tăng nguy cơ ung thư.
HPV và ung thư cổ tử cung: Chủng HPV 16, 18 là hai chủng phổ biến gây ra ung thư cổ tử cung với tỷ lệ lần lượt là 60% và 10%. Thời gian tiến triển khối u ung thư cổ tử cung thường dài, trung bình từ 10 - 15 năm do vậy tầm soát ung thư cổ tử cung là rất quan trọng với nữ giới độ tuổi từ 35 tuổi nếu khỏe mạnh và từ 30 tuổi hoặc sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như viêm lộ tuyến cổ tử cung,...
Ung thư cổ tử cung có thể khiến bạn bị chảy máu nhiều hơn hoặc kéo dài kì kinh nguyệt hơn bình thường. Mùi hôi cũng nồng hơn trong chu kì kinh. Mùi hôi được mô tả như mùi thịt thối được cho là do các mô chết hoặc tế bào ung thư bị thải ra ngoài qua đường âm đạo. Các triệu chứng ung thư cổ tử cung khác có thể gặp bao gồm: Đau lưng dưới tương tự như đau bụng kinh khi không phải sắp đến kì kinh; đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ; cảm giác kiệt sức, mệt mỏi không rõ nguyên nhân; chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân; đau và sưng ở chân; tiểu không tự chủ.
Triệu chứng nhiễm HPV: Hầu hết những người bị nhiễm HPV đều không biết mình bị nhiễm. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự nhiên loại bỏ nhiễm HPV trong vòng 2 năm. Điều này đúng với cả loại HPV gây ung thư và không gây ung thư. Một số bệnh nhiễm HPV xuất hiện các cục u nhỏ thô ráp (còn gọi là mụn cóc sinh dục) ở âm đạo, dương vật hoặc hậu môn và hiếm khi ở cổ họng dẫn tới đau, ngứa, chảy máu hoặc sưng hạch bạch huyết.

Virus u nhú ở người (HPV) là loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới (Ảnh: ST)
Vaccine ngừa HPV: Hiện nay, có 2 loại vaccine HPV được cấp phép lưu hành tại Việt Nam là vaccine Gardasil và vaccine Gardasil 9. Mỗi loại vaccine được chỉ định cho nam và nữ giới trong các độ tuổi khác nhau và bảo vệ khỏi nguy cơ ung thư, bệnh lý khác nhau. Theo WHO, vaccine ngừa HPV nên được tiêm cho tất cả các bé gái trong độ tuổi từ 9 - 14 tuổi trước khi quan hệ tình dục.
2. Virus viêm gan B (HBV)
Virus viêm gan B là loại virus gây viêm và tổn thương gan. Viêm gan B được phân thành hai loại là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính. Theo thống kê của WHO thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới, với ước tính khoảng 10% - 20% dân số mang virus này. Tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 3,5%.
Đường lây virus viêm gan siêu vi B: Đường lây virus viêm gan B thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, chẳng hạn như máu hoặc tinh dịch của người mang virus.
Triệu chứng viêm gan B: Viêm gan B không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Trong trường hợp cấp tính các triệu chứng bệnh có thể phát triển từ 2 - 5 tháng sau khi nhiễm trùng; trong khi viêm gan B mãn tính có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm sau khi mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan B bao gồm: Vàng da, vàng mắt; nước tiểu màu vàng sẫm; sốt; mệt mỏi bất thường không rõ nguyên nhân; đau bụng; buồn nôn và nôn mủa; mất cảm giác thèm ăn; đau khớp; phân xám màu hoặc phân màu đất sét.

Virus viêm gan B là loại virus gây viêm và tổn thương gan (Ảnh: ST)
Viêm gan B và ung thư gan: Nhiễm virus viêm gan B mãn tính gây viêm và tổn thương gan lâu dài, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư gan. Khi gan vẫn trong tình trạng viêm lâu dài, xơ gan có thể phát triển. Một khi mô sẹo xâm chiếm gan, các DNA trong tế bào khỏe mạnh biến đổi và tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Ở những đối tượng bệnh nhân mắc viêm gan B lâu năm thì có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn 100 lần so với người bình thường.
Ngoài bị viêm gan B mãn tính thì nguy cơ ung thư gan cũng tăng lên nếu kết hợp với các yếu tố: Viêm gan C mãn tính, xơ gan do rượu, nghiện thuốc lá, bệnh tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Triệu chứng ung thư gan: Ở giai đoạn sớm, dấu hiệu ung thư gan thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Khi khối u phát triển, triệu chứng ung thư gan có thể bao gồm: Cảm giác nhanh no, đầy hơi sau khi ăn; da mặt đen sạm, ngứa da, vàng da; đau tức hạ sườn phải với mức độ đau và tần suất các cơn đau tăng dần; nước tiểu sẫm màu; phân nhạt màu; chảy máu lợi và các vết bầm tím da bất thường; gan to, chướng bụng (giai đoạn muộn hơn) cùng các triệu chứng ung thư thường thấy như chán ăn, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài.
Vaccine ngừa virus viêm gan siêu vi B: May mắn rằng, viêm gan B có thể được phòng ngừa bằng vaccine viêm gan B. CDC khuyến cáo, vaccine ngừa viêm gan B nên được tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh tới người trưởng thành dưới 60 tuổi, người già trên 60 tuổi có nguy cơ cao nhiễm viêm gan B. Phác đồ tiêm vaccine ngừa viêm gan B sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng, nhất là với trẻ sơ sinh có mẹ mang virus viêm gan B.
Ngoài 2 loại virus có khả năng gây ung thư kể trên thì một loại virus cũng đáng chú ý khác là virus EBV (Epstein-Barr Virus, tên gọi khác là herpesvirus 4 (HHV-4). Tuy nhiên, virus này chưa có vaccine phòng ngừa, cách để phòng bệnh do virus EBV gây ra chủ yếu là giữ gìn vệ sinh cá nhân, sinh hoạt tình dục an toàn, không dùng chung đồ dùng cá nhân.
Virus EBV là một loại virus thuộc họ virus Herpes có thể lây nhiễm từ người sang người qua dịch tiết cơ thể, đặc biệt là đường nước bọt hay dùng chung các đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc uống nước,... EBV cũng có thể lây lan qua máu và tinh dịch khi sinh hoạt tình dục, truyền máu hoặc ghép tạng. Ở trẻ nhỏ nhiễm EBV có thể không có triệu chứng cụ thể; ở thanh thiếu niên và người trưởng thành nhiễm virus EBV có thể gây sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau họng, sưng amidan, sưng gan, lách to, đau nhức cơ thể - các triệu chứng này có thể kéo dài trong 2 - 4 tuần.
Theo Healthline, nhiễm virus EBV có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư hiếm gặp do đột biến ở các tế bào nhiễm EBV dẫn tới tế bào u ác tính, bao gồm: Ung thư biểu mô vòm họng, ung thư lyphoma bao gồm U lympho Burkitt, u lympho Hodgkin, ung thư biểu mô tuyến dạ dày.
Nhìn chung, tiêm vaccine và có các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp giúp bảo vệ bạn khỏi các virus có khả năng lây truyền qua dịch tiết, máu, nước bọt,... cũng như giảm nguy cơ phát triển ung thư từ các virus này. Thêm vào đó, lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, tập thể dục đầy đủ, chế độ ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng cũng có lợi cho sức khỏe tổng thể, gia cố hàng rào miễn dịch mạnh mẽ hơn trước nguy cơ nhiễm trùng do virus, vi khuẩn gây bệnh.