Chính quyền Thủ tướng Solberg đã có một cuộc cải tổ khi Bộ trưởng Dầu khí và Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông nộp đơn xin nghỉ việc. “Tôi nghĩ nhiều người đánh giá thấp sự khó khăn khi phải đảm nhiệm vị trí bộ trưởng mà gia đình không sống ở thủ đô Oslo. Đây là lý do chính mà một số bộ trưởng nam đã nộp đơn từ chức”, bà Solberg nói tại một cuộc họp báo.
Ông Terje Soeviknes, người đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Dầu khí trong vòng 20 tháng qua, sẽ chuyển đến quê nhà của mình ở bờ biển phía Tây Na Uy, nơi 2 người con từ cuộc hôn nhân trước của ông đang sinh sống.
“Một số điều được coi trọng hơn những thứ khác nhưng với tôi, gia đình là trên hết”, ông Soeviknes khẳng định đây là quyết định đúng đắn.
Khi ông nghỉ làm, ông Kjell-Boerge Freiberg, thành viên Đảng Tiến bộ, sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Dầu khí.
Tương tự, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Ketil Solvik-Olsen cho biết, ông sẽ tạm dừng sự nghiệp của mình để chuyển đến Mỹ sống vì vợ ông hiện là bác sĩ tại một bệnh viện ở bang Alabama. Bộ trưởng Nông nghiệp Jon Georg Dale sẽ thay thế ông Solvik-Olsen. Còn vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp sẽ thuộc về nghị sĩ Baard Hoksrud.
Người Na Uy cho rằng, họ cần thời gian dành cho con cái và mặc dù công việc rất quan trọng, họ cũng không ngần ngại đảm nhận trách nhiệm với gia đình. Đàn ông Na Uy quan tâm chăm sóc những điều nhỏ nhặt nhất, quan tâm đến những chuyện bình thường nhất như con đã ăn chưa, có thói quen gì, quần áo của vợ cất ở đâu hay làm thế nào để vợ luôn mỉm cười.
Người Na Uy nghĩ rằng việc một người cha dành thời gian cho con cái của họ là hoàn toàn bình thường. Nếu muốn phụ nữ có quyền bình đẳng tại nơi làm việc, việc chia sẻ trách nhiệm trong gia đình là rất cần thiết. Từ những người đàn ông làm thu ngân trong siêu thị cho tới Bộ trưởng Tư pháp, ai cũng đều sẵn sàng nghỉ để chăm sóc vợ con của mình.
Suy nghĩ tiến bộ này ở Na Uy bắt nguồn từ một cuộc cách mạng gia đình có tên "pappapermisjon" (Giấy phép của bố), khi chính phủ quyết định thay đổi và cải thiện các điều luật liên quan tới chế độ thai sản. Theo đó, sau khi sinh con, cả bố và mẹ đều được nghỉ 3 tuần.
Sau 3 tuần, giai đoạn nghỉ thai sản mới chính thức bắt đầu. Trong giai đoạn này, đầu tiên, cả bố và mẹ mỗi người đều được nghỉ tối đa lên tới 12 tuần. Sau đó, thời gian nghỉ sẽ được chia sẻ, tức là người bố đi làm thì người mẹ nghỉ, hoặc người mẹ đi làm thì người bố nghỉ. Nếu như người mẹ phải đi làm sớm và người bố ở nhà chăm con thì người bố sẽ nghỉ và nhận 100% lương.
Bằng cách này, một em bé được sinh ra ở Na Uy sẽ có một năm đầu đời với cả bố lẫn mẹ. Nếu họ không sử dụng hết 12 tuần này, họ cũng không được phép chuyển cho người mẹ hay nhận bất kỳ hỗ trợ nào.
Nếp nghĩ về trách nhiệm gia đình đã ăn sâu vào cuộc sống thường nhật của người Na Uy. Do đó, việc hai bộ trưởng bỏ việc vì gia đình là điều đáng trân trọng bởi họ không đánh đổi sự nghiệp cho hạnh phúc gia đình.