2 năm thí điểm quản lý cửa hàng trái cây, Hà Nội đạt những gì?

Vũ Vũ
10/06/2020 - 17:45
2 năm thí điểm quản lý cửa hàng trái cây, Hà Nội đạt những gì?
Hiện tại, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội đã xây dựng được tổng số 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Hà Nội hướng đến giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, xóa bỏ toàn bộ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.

40 tuyến phố nói không với kinh doanh trái cây vỉa hè

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025.

Sau 2 năm triển khai thí điểm Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, Hà Nội đã có 809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận được cấp đăng ký kinh doanh, đạt tỷ lệ 100% (trước Đề án, con số này chỉ đạt 30%). Trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè (quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 05 tuyến, Cầu Giấy 08 tuyến, Đống Đa 04 tuyến, Hoàn Kiếm 04 tuyến, Hoàng Mai 02 tuyến).

2 năm thí điểm quản lý cửa hàng trái cây, Hà Nội đạt những gì? - Ảnh 1.

Hà Nội hướng đến xóa bỏ toàn bộ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị. Nguồn: Internet

Về việc gắn biển nhận diện, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả "Luôn tươi sạch" Bùi Thế Dũng cho biết, để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, đơn vị đã cử cán bộ quản lý, nhân viên tham gia các buổi tập huấn do các cơ quan chức năng tổ chức, sau đó, làm việc với các đơn vị cung ứng, nhà nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm của trái cây.

"Việc gắn biển nhận diện đã khẳng định cam kết của các cửa hàng, doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Nhờ được gắn biển, người tiêu dùng đã biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn, doanh thu của cửa hàng tăng từ 30% đến 50% so với khi chưa được cấp biển", ông Bùi Thế Dũng thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục để nâng cao hiệu quả của đề án. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tại các chợ dân sinh và các hộ kinh doanh trong các ngõ hẻm, quy mô kinh doanh trái cây nhỏ lẻ, không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị bảo quản trái cây. Thêm vào đó, việc niêm yết giá ở một số cửa hàng chưa làm thường xuyên… Trong khi cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các phường, quận còn thiếu.

Phấn đấu 100% cửa hàng có biển nhận diện "Trái cây an toàn"

Để tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp hướng tới mục tiêu phấn đấu trong năm 2020 đạt 40%, hết năm 2021 đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các huyện, thị xã có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định; 100% cửa hàng có Biển nhận diện "Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn" và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Phấn đấu các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã đạt tuyến phố văn minh không có các hộ kinh doanh bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

2 năm thí điểm quản lý cửa hàng trái cây, Hà Nội đạt những gì? - Ảnh 2.

Phấn đấu 100% cửa hàng có biển nhận diện "Trái cây an toàn"

Tiếp đó, đến giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã (các tuyến phố, khu dân cư) đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm