2 người ++: 'Trống vắng' một bên

22/02/2017 - 19:00
'Vắng' một tinh hoàn trong túi da rất dễ gây ức chế tâm lý cho người đàn ông. Có chàng còn tiêu cực tới mức không dám gần chị em phụ nữ.
“Tạm trú” ở đâu?

Cách đây ít lâu, tôi có khám cho một thanh niên mới ngoài 20 tuổi, cao to, dân trí thức, nhà khá giả. Nhưng anh chàng này không dám quen cô gái nào, chỉ vì cậu bị thiếu tinh hoàn bên phải. Anh ta không dám đi bơi, không dám mặc quần shorts vì sợ người khác phát hiện ra khiếm khuyết đó. Tất nhiên, chẳng qua vì cậu ấy quá lo thôi, chứ có ai bình thường lại săm soi dữ vậy. “Hòn” bị thiếu kia, thực chất là đang “tạm trú” ở trung bụng, không chịu chui xuống túi da bìu, phẫu thuật sẽ lôi được nó xuống đúng chỗ nhưng bởi nó vẫn bé nhỏ hơn so với “ông anh song sinh” nên khiến cậu chủ mặc cảm.
 
Chàng trai đó cuối cùng đã nhờ người nhà bên Mỹ mua cho 1 tinh hoàn nhân tạo có kích thước gần bằng “hòn” thật sự của mình. Chúng tôi đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn ẩn trong bụng (do không còn chức năng và cũng để ngừa ung thư), rồi chôn “hòn” nhân tạo vào trong túi da bìu bên phải của anh ta. 
grief_counseling_home2.jpg
Thiếu một bên tinh hoàn là nỗi niềm khó nói của nhiều quý ông. Ảnh minh họa
 
Tinh hoàn nhân tạo thực chất chỉ là 1 cục chứa gel hay cục silicon, có hình dạng, trọng lượng và độ căng mềm như 1 tinh hoàn bình thường. Cục nhựa này giá chừng 200-400 USD (khoảng 4 đến hơn 8 triệu đồng) tùy hãng sản xuất. Trên thế giới, tinh hoàn nhân tạo đã được sử dụng từ hơn 50 năm nay. Phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo chỉ là tiểu phẫu, nên không có gì khó khăn với các bác sĩ ngoại khoa chúng tôi. Bệnh nhân có thể sáng đến mổ, chiều về được ngay. Nhưng vấn đề khó là làm sao mua được “hòn” nhân tạo, vì các hãng nổi tiếng sản xuất mặt hàng độc đáo này lại chưa đặt văn phòng hay phân phối tại Việt Nam.
 
Giải tỏa mặc cảm
 
Các bệnh nhân đến với chúng tôi, mỗi người mỗi cảnh. Người thì bị mất 1 tinh hoàn do chấn thương như bị “bể” khi đá banh, tập võ; người do phẫu thuật phải cắt đi như ung thư tinh hoàn, tinh hoàn mưng mủ nặng, tinh hoàn bị hoại tử do xoắn mạch máu khiến máu không chạy tới nuôi dưỡng được nữa. 
istock_000013942708_xxxlarge-1024x683.jpg
Mặc cảm với 'nửa kia' là tâm lý chung của người mang căn bệnh thiếu một bên tinh hoàn
 
Các cầu thủ đá banh, khi phải đối mặt với pha sút phạt ở gần cầu môn, hàng phòng thủ ai nấy đều phải che 2 tay ôm chặt… 2 “hòn”. Vì bể 1 cái là tiêu. Bệnh nhân viêm tinh hoàn do quai bị hay vi trùng có thể làm tinh hoàn teo nhỏ, cũng khiến sự mặc cảm tăng lên đáng kể. Ở người cao tuổi, việc cắt bỏ 2 tinh hoàn là 1 trong những cách điều trị hiệu quả nhưng lại khiến người ta vốn đã quen sự có mặt của 2 “hòn” rồi, giờ bỗng nhiên bị cảm giác “trống vắng” không chỉ trong một buổi chiều nay… Bởi vậy, phẫu thuật nhét 2 tinh hoàn nhân tạo sẽ giải tỏa được tâm lý đó.
 
Một nghịch lý là có những người thiếu cả 2 tinh hoàn bẩm sinh trong bìu thì thường không mang chút mặc cảm nào, thậm chí họ cũng còn chẳng biết mình bị thiếu, cho tới khi lấy vợ, không sinh được con, đi khám mới phát hiện ra. Phẫu thuật nhét tinh hoàn nhân tạo đôi khi cũng xảy ra biến chứng như nhiễm trùng, túi bị xì, xẹp dần, tinh hoàn nhân tạo bị “đẩy” ra ngoài hoặc tạo một vỏ bao cứng xung quanh, gây đau, phải mổ lấy ra. Phiền toái nữa là cứ 5-10 năm phải lấy “hòn” nhân tạo này ra, để thay bằng “hòn” khác, không nên để vĩnh viễn trong người. Coi như 1 cách kích cầu cho nhà sản xuất!

Lời khuyên của bác sĩ: Dù chỉ với 1 “hòn” hoạt động trong cơ thể, các chàng trai vẫn có đầy đủ “nam tính” và vẫn có khả năng sinh con đẻ cái bình thường. Do vậy, đừng vì chỉ có 1 “hòn” mà ngại lấy vợ, ác nghiệt hơn nữa, là ngại đến gần chị em phụ nữ. Tôi chưa từng nghe bệnh nhân nào than phiền bị vợ “chê” vì ông chồng chỉ có 1 “hòn” cả. Hãy tự tin lên!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm