2 nữ quan tham Trung Quốc sa lưới trong ‘chiến dịch săn cáo’

24/06/2018 - 21:36
Trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, nhiều nữ quan tham đã bị tố cáo và bắt giữ. Từ đó phanh phui những chuyện 'thâm cung bí sử' trong thời gian các bà làm lãnh đạo. Quyền lực, tiền bạc… là nguyên nhân khiến các nữ quan chức này 'ngã ngựa'.
Bị truy nã gắt gao  
Chiến dịch truy bắt các quan chức tham nhũng quy mô lớn của Trung Quốc có tên “Chiến dịch Săn Cáo” hay còn gọi “Chiến dịch Lưới Trời” bắt đầu năm 2014 với mũi nhọn dẫn đầu là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Trung Quốc.
 
Với chiến dịch này, Trung Quốc quyết tâm cho tội phạm thấy, có chạy trốn khỏi đất nước cũng không thoát được hình phạt. Đây là một phần chiến dịch truy quét tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
 
Qua chiến dịch truy quét, sau 13 năm lẩn trốn, nữ quan tham Trung Quốc Dương Tú Châu (71 tuổi), nhân vật bị truy nã gắt gao nhất Trung Quốc đã bị Tòa án nhân dân trung cấp Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) kết án 8 năm tù vì các tội tham nhũng, nhận hối lộ khi làm Chủ tịch Công ty khai thác nhà đất Đường sắt Ôn Châu, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, Phó Thị trưởng thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) giai đoạn 12/1996 đến 5/1999.
 
a3-duong-tu-chau-3.jpg
Nữ quan tham Trung Quốc Dương Tú Châu bị truy nã và xét xử

 

Cùng án tù, bà Dương Tú Châu phải nộp phạt 800.000 NDT (2,73 tỉ đồng). Vụ việc bà Dương Tú Châu thu hút sự chú ý đặc biệt vì bà này là một trong rất ít nữ quan tham bị xét xử công khai cáo buộc tham nhũng, cũng như vì bà này có quá trình lẩn trốn dài.
 
Bà Dương Tú Châu từng bị tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) ra lệnh bắt. Theo hồ sơ của tòa, tháng 4/2003, khi đang là Phó giám đốc Sở Xây dựng Chiết Giang, bà Châu đã mang theo con gái, con rể và cháu ngoại đáp máy bay trốn sang Mỹ qua đường Singapore.
 
Tháng 2/2004, Viện Kiểm sát Chiết Giang đã phát lệnh truy nã đỏ đối với bà Châu. Đến năm 2015, bà Châu bị xếp đầu trong danh sách 100 nhân viên nhà nước phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài bị truy nã đỏ.
 
Học chưa hết cấp 2 thì bà nghỉ giữa chừng vì nhà nghèo, phải xin vào làm nhân viên phục vụ cho một cửa hàng lương thực để cùng bố mẹ nuôi 6 đứa em còn nhỏ. Số phận người đàn bà nhiều tham vọng này thay đổi nhờ tham gia “Liên tổng”, tổ chức tạo phản lớn nhất tỉnh Chiết Giang trong Đại Cách mạng Văn hóa. Khi cuộc cách mạng này kết thúc, bà Châu chính thức bước chân vào chính trường.
 
Con đường thăng tiến của Dương Tú Châu khá thuận lợi được đúc kết là nhờ thủ đoạn “3 tìm”: bên trên thì tìm “ô dù” che chở, bên dưới thì tìm cốt cán để dựa vào, bên ngoài xã hội thì tìm đồng đảng nâng đỡ, bao che, bọc lót cho nhau.
 
Năm 1998, Dương Tú Châu trở thành Phó thị trưởng phụ trách mảng đất đai, quy hoạch của Ôn Châu. Cho đến nay, người ta vẫn nhắc lại câu nói nổi tiếng của bà này: “Đất đai là tiền, phê duyệt quy hoạch là tiền, tỷ lệ diện tích sàn cũng là tiền”.
 
Với “phương châm” đó, trong 10 năm làm quy hoạch, nữ tham quan đã “băm nát” thành phố Ôn Châu. Dưới sự chỉ đạo của bà Châu, đất quy hoạch được các công ty mua lại với giá rẻ sau đó bán ra với giá cao chót vót. Tiền cũng từ đó mà không ngừng chảy vào các tài khoản của bà ta ở nước ngoài.
 
Bà Châu được mô tả là kẻ có tính tình thô lỗ, hung bạo nhưng rất dâm đãng. Người tình của bà ta có tới hàng trăm người. Sau khi bà Châu bỏ trốn, nhà chức trách địa phương đã cáo buộc bà ta tham ô 253,2 triệu NDT, mới thu hồi được 42,4 triệu và phong tỏa được 70 triệu.
 
Cơ quan pháp luật lập hồ sơ điều tra vụ án Dương Tú Châu, có tới hơn 100 người liên đới, trong đó có 2 quan chức cấp sở, 11 cấp phòng, 7 cấp ban. Bà Châu còn trực tiếp liên quan đến 12 vụ án kinh tế khác. Dùng giao dịch giả để sở hữu bất động sản ở Mỹ cũng là phương thức mà bà Châu từng sử dụng.
 
“Mỹ nhân giới tiền tệ”
Trong kế hoạch “đả hổ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan trường Sơn Tây đã có rất nhiều quan to "ngã ngựa" nhưng vụ bà Thượng Quan Vĩnh Thanh là đỉnh điểm trong lĩnh vực tài chính tỉnh Sơn Tây. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tỉnh ủy Sơn Tây đã khai trừ đảng, cách chức đối với bà Thượng Quan Vĩnh Thanh - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tấn Thương - vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
 
Bà nổi tiếng vì cách sống cực kỳ xa hoa, tham lam hưởng lạc, dùng các thủ đoạn chiếm dụng, lừa đảo để chiếm đoạt trái phép tài sản công. Bà ta bị bắt và điều tra do liên quan đến “giao dịch quyền tiền” với giới chủ mỏ than ở Lã Lương trong thời gian từ 2010 đến 2014 và hoạt động của tổ chức phi pháp “Hội rượu sông Phần Sơn Tây”.
a5-thuong-quan-vinh-thanh-2.jpg
Quan bà Thượng Quan Vĩnh Thanh

 

Hội rượu này do một người đàn ông họ Diêu, nguyên Hiệu trưởng một trường đại học ở Sơn Tây, lập ra, tập hợp rất nhiều quan chức, thương gia quê Sơn Tây với mục đích để “quan thương câu kết, giao dịch quyền tiền” câu kết với nhau để làm ăn. Thượng Quan Vĩnh Thanh là thành viên rất quan trọng của hội này, giúp xử lý vấn đề tài sản, tiền nong của các quan chức.
 
Thượng Quan Vĩnh Thanh còn có thú sưu tập tiền mới, thực ra là một kiểu đầu tư trục lợi. Khám nhà riêng của Thanh, các nhân viên công tác sửng sốt khi tìm thấy 70 hòm chứa các loại tiền phát hành vào các dịp kỷ niệm, trong đó có bộ tiền Rồng (Long tệ) nhân kỷ niệm 50 năm quốc khánh Trung Quốc (1999) loại mệnh giá 50 và 100 tệ, hiện trên thị trường đồng Long tệ mệnh giá 50 tệ được bán với giá cao gấp 10 lần, đồng 100 tệ bán với giá gấp 20 lần.
 
Ngân hàng Tấn Thương bề ngoài là doanh nghiệp quốc doanh, thực tế là mượn danh công hữu để làm giàu cho cá nhân bà Vĩnh Thanh. Khi cho các công ty vay tiền, Ngân hàng của bà yêu cầu họ ngoài tiền lãi theo quy định, còn phải trả thêm 2% “tư vấn phí”, chuyển vào công ty sân sau của bà này.
 
Bà còn bắt 12 công ty góp tiền mua chiếc máy bay công vụ trị giá 390 triệu NDT (1.365 tỷ VND) để sử dụng. Ngoài ra, bà ta chỉ uống loại sữa bò tươi được chở bằng chuyên cơ từ Hàn Quốc về.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm