Vừa là thầy, là anh, là bạn
Năm 2001, Mai Chánh Cường tốt nghiệp loại giỏi khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị du lịch, trường ĐH Phương Đông (Hà Nội). Sau đó, Cường nhận lời mời ở lại khoa làm giảng viên. “Ban đầu, mình không chọn nghề giáo, sau đó nghề đã chọn mình. Và bây giờ thì cả hai đã chọn nhau”, Cường chia sẻ. Gần 15 năm đứng trên bục giảng, Cường chưa một ngày nào thôi yêu nghề. Cường đã tham gia biên soạn nhiều giáo trình và được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Gần đây, một số trường ĐH bắt đầu áp dụng quy định “trò chấm điểm thầy” để nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc này đã được thầy Cường thực hiện từ khi mới vào nghề. Sau mỗi học phần, Mai Chánh Cường thường phát phiếu thăm dò ý kiến trong sinh viên với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe góp ý của các em để sau đó hoàn thiện bài giảng của mình hơn.
Hơn 10 năm trước, nhận thấy khả năng làm việc nhóm của sinh viên hạn chế, nhiều em rất rụt rè, ngại đưa ra quan điểm của mình, Mai Chánh Cường đã có sáng kiến tổ chức cho sinh viên trong Khoa học và làm việc theo hình thức nhóm để giúp các em rèn luyện tinh thần “team work”, biết cách tự điều phối, quản lý công việc trong nhóm của mình.
Mai Chánh Cường cũng luôn sáng tạo trong từng bài giảng, từng năm để không “đi lại vết chân” của chính mình. Trên cơ sở nội dung khung môn học, Cường đã nghiên cứu kỹ từng đối tượng người học, kỳ vọng của các em với từng môn học để có cách tiếp cận phù hợp. Đối với sinh viên năm thứ nhất khá năng động, nhiệt tình, đam mê, thầy Cường thiết kế bài giảng theo hướng tăng cường nhiều hoạt động, bổ sung nội dung thuyết trình.
Sinh viên năm cuối đĩnh đạc hơn, chuẩn bị đi thực tập và hoàn thành chuyên đề, khoá luận tốt nghiệp, bài giảng của thầy Cường lại tăng cường nhiều nội dung mang tính tổng hợp cao, sử dụng phương pháp dạy học dự án, kỹ năng team work.
Với Mai Chánh Cường, thầy giáo vừa làm thầy vừa là anh, là bạn của học trò. Là một người anh đi trước, Cường đã giúp định hướng lập nghiệp cho nhiều sinh viên. Những bạn trẻ có năng khiếu MC, ca hát, Cường giới thiệu các em tới các công ty lữ hành để thử sức làm hoạt náo viên trong tour. Những bạn trẻ còn ngại ngùng trong giao tiếp, Cường khuyên các em đi làm thêm theo tiếng ở các nhà hàng để tự tin hơn.
Có sinh viên, đang học tốt nhưng sức học bỗng sa sút, Cường tìm hiểu nguyên nhân xem em này gặp khó khăn do hoàn cảnh gia đình hay bản thân chưa biết lên kế hoạch học tập. Biết nguyên nhân rồi, Cường đã giúp em học tốt hơn. Cũng có sinh viên đã viết đơn xin thôi học, Cường liên hệ với gia đình em để cùng bàn cách tháo gỡ. Nhờ đó, sinh viên này không chỉ tốt nghiệp loại khá, mà hiện còn làm giám đốc một công ty du lịch. Đó là lý do nhiều bạn trẻ dù ra trường đã lâu nhưng vẫn luôn nhớ về thầy giáo “super cute” Mai Chánh Cường bằng cả sự yêu mến, kính trọng.
Hạnh phúc khi được làm thầy
Nguyễn Thái Dương, SN 1991, hiện là giáo viên tiếng Anh chuyên về kỹ năng nói, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH đào tạo Minh Chân. Ban đầu, Dương chưa chọn nghề giáo mà đi theo ngành Công nghệ sinh học công nghiệp, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, nhiều cơ hội việc làm lương cao đã đến với Dương. Anh đã nộp hồ sơ học thạc sĩ và trúng tuyển ngay sau vòng phỏng vấn mà không phải trải qua kỳ thi tuyển đầu vào.
Nhưng lúc đó, Dương chưa thấy thực sự hứng thú với con đường mình đang đi. Có một người bạn nhờ Dương phụ đạo tiếng Anh để đi xin việc. Khi người bạn có thể nói được tiếng Anh và trúng tuyển công ty mong muốn, Dương thấy rất hạnh phúc. Ngày nộp đơn học thạc sĩ, Dương vừa xếp hàng, vừa suy nghĩ mình có nên bước tiếp không. Cuối cùng, Dương đã quyết định dừng lại và trở về làm một giáo viên dạy tiếng Anh.
Nhiều clip dạy tiếng Anh do Dương thực hiện thời gian qua đã “gây bão” cộng đồng mạng. Đó là các clip dựa trên những bài hát được yêu thích như: Các lỗi sai trong tiếng Anh trên nền bài We don’t talk anymore; Từ vựng về mùa xuân dựa trên bài hát Ngày xuân vui cưới; Từ vựng về tội phạm dựa trên bài hát Look what you made me do; Từ vựng về đi chơi theo bài Despacito...
Với mỗi bài học cần “phổ nhạc”, Dương đã bỏ công nghe nhiều bản nhạc khác nhau để tìm ra bài nào thích hợp nhất, sau đó viết lại lời cho dễ nhớ, thu âm, quay video. Dù mất công nhưng Dương rất vui vì mục tiêu của anh là giúp người học tiếp thu bài hiệu quả nhất.
Từ trải nghiệm chọn nghề của mình, thầy giáo trẻ 9x này đã trở thành “người truyền cảm hứng” cho nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Tại nhiều buổi talk show, Dương thường khuyên các bạn hãy cố gắng tìm hiểu bản thân, chọn đúng ngành, đúng nghề vì chỉ có như vậy, bạn trẻ mới phát huy hết khả năng và cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, các bạn cần chăm chỉ học tập, chuẩn bị các điều kiện đủ cho bản thân để nắm bắt cơ hội, đừng thụ động ngồi đợi may mắn.