pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 tuổi đã bị đục thủy tinh thể: Bác sĩ khuyến cáo trẻ có dấu hiệu sau cần đưa đi khám
Tình cờ có đoàn y tế từ Hà Nội về Vĩnh Phúc khám bệnh, anh Huy Hoàng (Vĩnh Phúc) tranh thủ đưa con trai Minh Phú (8 tuổi) đến khám mắt vì thỉnh thoảng con kêu nhức, mỏi mắt, mắt nhìn mờ.
Cứ nghĩ do con xem điện thoại, iPad nhiều nhưng sau khi thăm khám, Minh Phú được chẩn đoán mắc bệnh đục thủy tinh thể, cần phải thay thủy tinh thể càng sớm càng tốt mới nhanh chóng phục hồi lại thị lực.
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sâu sau mống mắt (hay còn gọi là lòng đen). Thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp con người có thể nhìn thấy được mọi vật.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đục thủy tinh thể bị mờ, không còn trong suốt, ánh sáng khó đi qua nên người bệnh bị đục đục thủy tinh thể sẽ bị giảm thị lực, mắt nhìn mờ, lâu dần có thể dẫn tới mù lòa.
Anh Hoàng chia sẻ: “Trong gia đình không có tiền sử bị bệnh này. Cụ của Phú năm nay ngoài 80 tuổi nhưng mắt vẫn còn sáng rõ. Thế mà nay con tôi lại được chẩn đoán đục thủy tinh thể, tôi không hiểu nguyên nhân vì sao”.
Dù chưa biết nguyên nhân nhưng sau đó tranh thủ thời gian con đang nghỉ hè, vợ chồng anh Hoàng đã đưa con xuống bệnh viện kiểm tra lại.
Theo Ths.Bs Mai Thị Anh Thư (Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2): "Thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân là trẻ em bị đục thủy tinh thể, có bé mới chỉ 27 tháng tuổi. Có trường hợp cả hai mẹ con ở Hà Nội cùng bị đục thủy tinh thể, bé gái khi ấy mới chỉ 4 tuổi".
Theo bác sĩ Anh Thư, hầu hết không tìm ra nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có thể xét đến các yếu tố như:
- Di truyền (nếu trong gia đình đã có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể).
- Dị tật bẩm sinh do sự bất thường ở nhiễm sắc thể.
- Rối loạn đường huyết hay nhiễm trùng của mẹ trong thời kỳ mang thai (mắc các bệnh sởi, quai bị, rubela, giang mai…).
Theo bác sĩ, đối với người lớn, sau khi thay thủy tinh thể đục bằng thủy tinh thể nhân tạo, bệnh nhân vẫn giữ được thị giác tốt. Còn đối với trẻ nhỏ, mắt vẫn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện đến năm 8 – 10 tuổi. Nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lâu dài về thị giác.
Việc phát hiện bệnh ở trẻ nhỏ cũng khó hơn người lớn do trẻ chưa ý thức được tầm nhìn của mình. Đa phần bố mẹ vẫn thường lầm tưởng, bệnh đục thủy tinh thể là bệnh của người già, còn trường hợp mắt trẻ con nhìn mờ là do con sử dụng các thiết bị điện tử nhiều nên không đi khám chuyên sâu. Bệnh đục thủy tinh thể lại thường diễn biến chậm, gần như không gây đau đớn cho người bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị bệnh đục thủy tinh thể mà phụ huynh cần đưa đi khám
Ths.Bs Mai Thị Anh Thư khuyến cáo một số dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh đục thủy tinh thể như sau:
- Mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn, hay mỏi mắt khi tập trung nhìn vào một vật.
- Nhạy cảm với ánh sáng, hay loá mắt. Nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm, do khi có ánh sáng đồng tử co lại làm hạn chế ánh sáng có thể tới được võng mạc.
- Nhìn một vật đôi khi thành nhiều vật.
- Nhìn mờ như có màn sương che trước mắt.
- Các triệu chứng có thể thấy ở một hoặc hai mắt.
- Xuất hiện đốm trắng ở giữa mắt.
Cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là trẻ được khám mắt định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Điều này giúp kiểm soát tốt các bệnh về mắt, đặc biết là đối với những trẻ có tiền sử gia đình hoặc có các dị tật khác trên cơ thể. Trường hợp trẻ không có bất thường trong quá trình mẹ mang thai và sinh sớm, lần đầu tiên đi khám mắt của trẻ là khi trẻ lên 3 tuổi và duy trì việc thăm khám định kỳ tại cơ sở y tế 6 tháng/lần.