Với những ý tưởng sản xuất, kinh doanh rất thực tế, gắn liền đời sống hàng ngày, 20 phụ nữ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của Hưng Yên đã vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Với ý tưởng chế biến long nhãn, vải khô, chị Đặng Thị Hạnh đến từ xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên đã mạnh dạn đầu tư quy trình sấy theo công nghệ hiện đại. Nhãn sau khi thu hoạch được sấy bằng lò điện, có kho lạnh để bảo quản sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo môi trường không gây ô nhiễm, không có khói bụi. Thu nhập bình quân từ mô hình này của chị Hạnh đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 – 10 lao động tại địa phương.
Quyết tâm theo đuổi nghề làm hương truyền thống của quê hương, bằng niềm đam mê, sự sáng tạo, chị Trần Thị Tơ (đến từ xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên) đã vượt qua mọi gian khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới cùng máy móc hiện đại, những sản phẩm được làm ra không bị vỡ, nén nhỏ, rất thuận tiện cho việc vận chuyển đường dài và đóng gói. Đặc biệt, sản phẩm của chị làm ra không gây ảnh hưởng đến môi trường, không độc hại đến sức khỏe con người. Thu nhập bình quân của chị Tơ đạt từ 500 đến 700 triệu/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.
Chị Lê Thị Nguyệt đến từ xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ với ý tưởng chăn nuôi gà siêu trứng; ấp nở gà con với quy mô 5.000 con. Nhờ việc áp ụng khoa học kỹ thuật mới, hệ thống nuôi được thiết kế kiên cố, hiện đại, có hệ thống chiếu sáng, cấp nước tự động, trang bị điều hòa để duy trì nhiệt độ theo dõi, các dãy chuồng được đánh số thứ tự để tiện việc theo dõi sức khỏe và năng suất trứng. Chuồng trại luôn được vệ sinh, khử trùng theo định kỳ; bổ sung vitamin, khoáng chất nên gà đẻ trứng sai, quả to, tỷ lệ ấp nở đạt 99%, con giống khỏe mạnh. Thu nhập bình quân của chị Nguyệt đạt 100 triệu/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế gia đình, sản phẩm được bán nhiều cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chị Phạm Thị Út đến từ xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ với ý tưởng sản xuất nấm từ việc tận dụng nguyên liệu chính là rơm, rạ nên chất lượng nấm ngọt hơn so với nấm sử dụng nguyên liệu là mùn cưa, bông hóa học… Đặc biệt, sản phẩm nấm của chị không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, với việc tận dụng nguồn nguyên liệu trên sẽ tránh được việc đốt rơm, rạ tại ruộng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường. Thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Lự đến từ xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ với ý tưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ bèo tây. Bằng việc tận dụng các nguyên liệu có sẵn của địa phương là bèo tây để sản xuất các sản phẩm thủ công, đồ gia dụng với mẫu mã sản phẩm đa dạng, thân thiện với môi trường, sản phẩm từ bèo tây của chị được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước khu vực châu Á. Thu nhập bình quân từ 150 đến 200 triệu/năm và tạo việc làm cho 35-40 hội viên phụ nữ tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hường đến từ xã Tam Đa, huyện Phù Cừ với với ý tưởng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap, với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bón phân hữu cơ để chăm sóc trồng cây ăn quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân 100-300 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Lan đến từ xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động với mô hình xưởng may xuất khẩu. Tạo công ăn việc làm cho 15 lao động nữ trên địa bàn. (trong đó có từ 5 đến 7 phụ nữ nuôi con nhỏ) với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/ tháng.
Chị Lê Thị Lành đến từ xã Đức Hợp, huyện Kim Động với ý tưởng sản xuất sữa bò sạch. Áp dụng phương pháp khoa học mới trong chăn nuôi (tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: cây chuối tây sau thu hoạch, cỏ voi, cây ngô còn xanh, ngô hạt,... ủ men), không sử dụng hooc môn tăng trưởng, kích thích sữa. Mang lại thu nhập cao cho gia đình, cung cấp nguồn sữa sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường, thu nhập bình quân năm là 250 triệu đồng.
Chị Trịnh Thị Thanh Tình đến từ xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi với ý tưởng Sản phẩm quà tặng, đồ trang trí hand made từ len sợi. Sản phẩm mang tính sáng tạo cao, an toàn, ứng dụng rộng rãi trong đời sống cho mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ em và người trẻ tuổi, sản phẩm được xuất sang thị trường nước ngoài. Thu nhập từ 350 đến 800 triệu/năm, tạo việc làm thêm cho 25- 30 lao động.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà đến từ xã Hồng Quang, huyện Ân Thi với ý tưởng khởi nghiệp từ trồng hoa, cây cảnh, cắm hoa nghệ thuật. Với diện tích chuyển đổi trên 3.700m2, chị đã nhập, trồng các giống hoa chất lượng cao, áp dụng giàn phun tưới tự động. Ngoài ra, chị Hà còn nhận cắm hoa phục vụ các sự kiện theo đơn đặt hàng, giá cả hợp lý. Thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động.
Chị Nguyễn Thị Hằng đến từ xã Đại Tập, huyện Khoái Châu với ý tưởng Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hương sang thị trường các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương. Chị Hằng sử dụng máy móc tự động sản xuất hương từ than củi và mùn cưa là nguyên liệu không mùi, không gây độc hại cho sức khỏe người lao động và môi trường. Thu nhập bình quân 1tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn, phù hợp với từng độ tuổi lao động.
Chị Giang Thị Hường đến từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu với ý tưởng HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, quy mô 700 con. Chị Hường đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thụ tinh gà giống để tạo ra con giống khỏe mạnh, chân to, hình thức đẹp, trọng lượng lớn, chất lượng thịt thơm ngon. Thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.
Xuất phát từ việc khó khăn trong mua giống, chị Phan Thị Thanh đến từ xã Xuân Quan, huyện Văn Giang đã xây dựng và thực hiện mô hình nuôi cấy mô giống hoa đồng tiền và hoa lan Đai Châu. Hiện gia đình chị đã đầu tư 1 phòng nuôi cấy mô với diện tích 150m2 và đầu tư nhà lưới để trồng cây với diện tích trên 500m2, mỗi năm cung cấp ra thị trường 40-50 vạn cây giống. Việc nuôi cấy chủ yếu dùng phân vi sinh và giá thể sạch nên không gây ô nhiễm môi trường.
Chị Phí Thị Hường đến từ xã Cửu Cao, huyện Văn Giang với ý tưởng kinh doanh khung rạp tổ chức sự kiện, cưới hỏi. Xuất phát từ việc đi làm thuê, chị cùng chồng có ý tưởng tự kinh doanh với hệ thống hhung rạp không gian có giá trị thẩm mỹ cao. Thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm, tạo biệc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương.
Chị Đặng Thị Hương đến từ xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ đang làm chủ cơ sở sản xuất quần áo bảo hộ lao động với việc áp dụng công nghệ của Nhật Bản. Xuất phát từ việc là công nhân may, nhận thấy thị trường cung ứng bảo hộ lao động cho công nhân là thị trường tiềm năng, đồng thời việc sử dụng chất liệu vải cho bảo hộ lao động rất quan trọng, chị Hương đã nảy ra ý tưởng tự mình sẽ sản xuất ra những bộ quần áo bảo hộ với chất liệu vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tạo sự thoải mái cho người lao động. Thu nhập bình quân hiện nay là trên 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Chị Hà Thị Song đến từ xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ với ý tưởng kinh doanh và sản xuất rau, củ quả an toàn bằng việc áp dụng hình thức phun tưới tự động, góp phần giảm thiểu chi phí về lao động và sản xuất. Năm đầu triển khai mô hình thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, từ năm thứ 3 cho thu nhập 500 triệu đồng/năm và tạo điều kiện cho 30-35 phụ nữ trên địa bàn xã có việc làm, thu nhập ổn định mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Nhoan đến từ phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào với ý tưởng sản xuất bún phở khô. Áp dụng khoa học công nghệ sử dụng máy móc hiện đại, không dùng chất tẩy trắng, sấy khô bằng lò điện… góp phần bảo vệ môi trường. Thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động trên địa bàn.
Chị Dương Thị Mai Phương đến từ thị trấn Bần, thị xã Mỹ Hào với ý kinh doanh thời trang công sở nữ. Bằng việc áp dụng tích cực mạng xã hội facebook, zalo để quảng cáo sản phẩm, giao lưu trực tuyến với khách hàng và đã đạt được doanh thu tăng đáng kể qua công nghệ bán hàng online. Thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Chị Lê Thị Thúy đến từ xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm với ý tưởng cơ sở đúc đồng trên cơ sở phát triển nghề truyền thống của địa phương. Bằng việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, kết hợp với thủ công nhằm tạo ra các sản phẩm với kỹ thuật tinh xảo. Thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho từ 5 đến 10 lao động tại địa phương.
Chị Trần Thị Hào đến từ xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm với ý tưởng Sản xuất Mũ cối. Bên cạnh áp dụng phương pháp thủ công truyền thống, chị đã đưa máy móc, kỹ thật cao và sản xuất, thu nhập từ 700 đến 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho từ 40 đến 50 lao động.