pnvnonline@phunuvietnam.vn
22 điều lần đầu tiên diễn ra vào năm 2022 (phần 1)
Một cửa hàng Apple ở khu phố SoHo của thành phố New York (Mỹ). Ảnh: New York Times
1. Apple trở thành công ty Mỹ đầu tiên chạm mốc vốn hóa 3 nghìn tỷ USD
Tháng 1/2022, Apple đã chớp nhoáng chạm mốc vốn hóa chạm mốc 3 nghìn tỷ USD, trở thành công ty giao dịch công khai đầu tiên làm được điều này. Tuy nhiên, con số này của Apple sau đó đã giảm đi khi "táo khuyết" cũng như các công ty khác phải đối mặt với một nền kinh tế khó khăn vẫn đang quay cuồng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lạm phát kỷ lục. Apple cũng là công ty đầu tiên được định giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2018 và 2 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
2. Các nhà khoa học giải thích được sự hình thành sao trong thiên hà bắt đầu như thế nào
Các nhà khoa học lần đầu tiên có thể giải thích điều gì đã tạo nên sự hình thành các ngôi sao trong Dải Ngân hà, theo một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào tháng 1/2022. Theo các nhà nghiên cứu, một phản ứng dây chuyền của siêu tân tinh cách đây khoảng 14 triệu năm đã dẫn đến việc tạo ra một bong bóng rộng 1.000 năm ánh sáng ở trung tâm là thiên hà.
Mặc dù biết về sự tồn tại của bong bóng này, nhưng gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng tất cả các khu vực hình thành sao cục bộ đều nằm trên bề mặt của nó, do phản ứng dây chuyền đã đẩy bụi và khí cần thiết để tạo ra các ngôi sao mới ra rìa bong bóng.
3. Người mẫu mắc hội chứng Down của Victoria's Secret
Người mẫu Sofía Jirau, 24 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Puerto Rico, là người phụ nữ mắc hội chứng Down đầu tiên trở thành người mẫu của Victoria's Secret. Trong chiến dịch làm mới hình ảnh và phá vỡ những tiêu chuẩn sắc đẹp, nhãn hiệu nội y nổi tiếng Victoria's Secret đã mời cô gái mắc hội chứng Down đầu tiên hợp tác. Cô xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo Love Cloud của công ty thời trang, chiến dịch nhấn mạnh sự đa dạng và hòa nhập.
4. Hạt vi nhựa được phát hiện trong máu người
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 trên tạp chí Environment International cho thấy hạt vi hạt nhựa lần đầu tiên được phát hiện trong máu người. Khoảng một nửa số người tham gia nghiên cứu có polyetylen terephthalate, một loại polyme được sử dụng trong chai nước và bao bì thực phẩm cũng như số các vật dụng hàng ngày khác, trong máu. Các nhà khoa học trước đây đã xác định được rằng con người tiếp xúc với các hạt nhựa siêu nhỏ thông qua thực phẩm, nước uống và không khí hít thở.
5. Thềm băng rộng 1.200 km2 sụp đổ ở đông Nam Cực
Thềm băng Conger có kích thước bằng thành phố Los Angeles (Mỹ) tại khu vực phía đông Nam Cực đã tan rã và sụp đổ hoàn toàn trong tháng 3. Các nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Úc cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi ảnh vệ tinh bắt đầu được dùng để quan sát Nam Cực cách đây gần 50 năm trước, họ nhìn thấy sự sụp đổ của một thềm băng ở phía đông lục địa này, nơi được coi là ít bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đó, sự sụp đổ của thềm băng Conger rộng 1.165km2 xảy ra giữa tháng 3. Theo dữ liệu của trạm nghiên cứu Concordia ở Nam Cực, vào thời điểm giữa tháng 3, nhiệt độ của khu vực là khoảng âm 12 độ C, ấm hơn 40 độ so với nhiệt độ thông thường tại thời điểm này của năm.
6. Các nhà khoa học chụp được ảnh hố đen của Dải Ngân hà
Vào tháng 5, các nhà khoa học đã công bố hình ảnh đầu tiên của Sagittarius A*, một hố đen ở trung tâm thiên hà. Đó là kết quả của một nỗ lực quốc tế với tên gọi dự án Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (EHT). Ảnh đầu tiên chụp hố đen ở tâm Dải Ngân hà vừa công bố là hình ảnh thứ hai từng được chụp về một hố đen. Hình ảnh đầu tiên của EHT chụp hố đen M87* ở trung tâm của thiên hà Messier 87 cách Trái đất 55 triệu năm ánh sáng vào năm 2019.
7. Trọng tài nữ bắt chính tại World Cup nam
Năm nay, Stéphanie Frappart đến từ Pháp lần đầu tiên trở thành nữ trọng tài bắt chính tại một trận đấu World Cup nam khi cô điều khiển trận đấu giữa Costa Rica và Đức tại Qatar vào tháng 12. Cô được ví là người phụ nữ làm "rung chuyển" Giải vô địch bóng đá thế giới. Đây cũng là trận đấu World Cup nam đầu tiên có tổ trọng tài toàn nữ, với hai trợ lý của Frappart là Neuza Back của Brazil và Karen Diaz Medina của Mexico.
8. Chân dung của Marilyn Monroe phá kỷ lục đấu giá tại Mỹ
Ngày 9/5, "Shot Sage Blue Marilyn", một trong những bức chân dung Marilyn Monroe mang tính biểu tượng của Andy Warhol, đã được bán với giá kỷ lục 195 triệu USD tại nhà đấu giá Christie's ở New York (Mỹ).
Với 195 triệu USD, "Shot Sage Blue Marilyn" đã trở thành tác phẩm nghệ thuật Mỹ đắt nhất từng được bán và cũng là tác phẩm nghệ thuật đắt nhất thế kỷ 20. Trước đó, kỷ lục này do bức "Les Femmes d'Alger" (Version O) của Pablo Picasso nắm giữ khi được bán với giá 179,4 triệu USD vào năm 2015.
9. Hàn Quốc lần đầu phóng thành công vệ tinh bằng tên lửa nội địa
Hồi tháng 6, Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh vào không gian bằng tên lửa do nước này tự phát triển. Theo Reuters, tên lửa Nuri được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Naro ở bờ biển phía nam Hàn Quốc lúc 16 giờ ngày 21/6 theo giờ địa phương. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên không gian mới đầy tham vọng cho Hàn Quốc. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu hạ cánh tàu vũ trụ trên mặt trăng vào năm 2030.
10. Người đàn ông được trợ tử hợp pháp đầu tiên ở Italy
Vào tháng 6, Federico Carboni, một người đàn ông 44 tuổi bị liệt suốt 12 năm sau một vụ tai nạn giao thông, đã trở thành người đầu tiên được trợ tử hợp pháp tại Italy. Trong suốt 12 năm, Carboni đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức về pháp lý, hành chính và tài chính trên hành trình đấu tranh đòi quyền được chết.
Năm 2017, Quốc hội Italy đã thông qua một đạo luật cho người trưởng thành quyền quyết định từ chối các biện pháp duy trì sự sống như cung cấp chất dinh dưỡng, nước và sử dụng hệ thống hô hấp nhân tạo. Vào năm 2019, tòa án cấp cao nhất của Ý đã ra phán quyết rằng trợ tử là hợp pháp trong một số trường hợp nhất định, một vấn đề được tranh luận rộng rãi ở một quốc gia chủ yếu là Công giáo La Mã.
11. Phát hiện vi khuẩn có thể nhìn bằng mắt thường
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã xác định được sự tồn tại của một loại vi khuẩn có thể nhìn thấy bằng mắt thường mà không cần kính hiển vi, làm đảo lộn quan điểm khoa học đã được chấp nhận rằng vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.
Dài khoảng 1 - 2cm, vi khuẩn Thiomargarita magnifica lớn hơn khoảng 50 lần so với các loài vi khuẩn cỡ bự từng được biết đến trước đây, và là vi khuẩn đầu tiên có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Mặc dù Thiomargarita magnifica lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2009 trong một khu rừng ngập mặn ở Caribe, nhưng các nhà nghiên cứu phải mất một thời gian để xác định rằng đó là một loài vi khuẩn vì kích thước đáng kinh ngạc của nó.