Tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay (5/4) của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, nhằm tạo điều kiện cho công nhân học tập, giải trí, đến nay sở đã phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp thành phố (Hepza) và Thành Đoàn thành phố cung cấp wifi miễn phí cho 25.000 công nhân sống tại các khu lưu trú. Trong kế hoạch, sắp tới sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để cung cấp wifi miễn phí cho 20.000 công nhân trên địa bàn.
Theo ông Cường, hiện nay trên địa bàn thành phố cũng có nhiều nơi cung cấp wifi miễn phí nhưng khả năng truy cập rất kém. Tuy nhiên, riêng đối với chất lượng wifi mà sở phối hợp thực hiện cung cấp cho công nhân thì có thể khẳng định tương đương với dịch vụ có trả tiền.
“Sở sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng dịch vụ wifi miễn phí tại những nơi có nhu cầu, không chỉ cho công nhân mà cho cả những nơi có nhiều sinh viên, người lao động nghèo”, ông Cường nói.
Thành phố sẽ có trung tâm báo chí trong năm 2018
Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, đến nay sở đã gần hoàn thành dự thảo đề án Trung tâm báo chí TP.HCM. Sở đã tiến hành lấy ý kiến và trong đầu tuần tới sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các lãnh đạo báo chí trung ương, địa phương đang hoạt động trên địa bàn thành phố, các cơ quan liên quan để góp ý hoàn thiện đề án trước khi báo cáo Bí thư Thành ủy.
Ông Đức cho biết, mục tiêu của việc xây dựng Trung tâm báo chí thành phố là nhằm tạo điều kiện tác nghiệp tốt hơn cho các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí tại thành phố. Đây cũng là một phần trong đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Với đề án này, thành phố mong muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung chuyên ngành báo chí. Ở đây, các nhà báo, phóng viên có thể tiếp cận với các thông tin nhờ vào các công cụ thông tin.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ là nơi cung cấp những thông tin đa chiều của những sự kiện quan trọng của thành phố; giúp cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời đến với bạn đọc. Đây cũng là nơi mà các nhà báo, phóng viên có thể thoải mái làm việc, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm làm báo.
Cũng theo giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, dự kiến đề án sẽ có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ được tiến hành ngay, kỳ vọng trong năm 2018 sẽ đưa trung tâm báo chí thành phố vào sử dụng với quy mô vừa phải. Giai đoạn 2 sẽ được tiến hành từ năm 2020 với quy mô lớn hơn, xứng tầm với một siêu đô thị như TP.HCM.
“Định hướng về lâu dài thì trung tâm báo chí sẽ có vai trò rất lớn. Do đó, trung tâm sẽ là đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM”, ông Đức nói.
Được biết, tổng chi phí đầu tư ban đầu ước cho trung tâm báo chí thành phố vào khoảng 34,5 tỉ đồng. Kinh phí hoạt động thường xuyên của năm đầu tiên là 2 tỉ đồng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện TP.HCM có 38 cơ quan báo chí gồm 16 báo, 20 tạp chí, 1 đài phát thanh và 1 đài tuyền hình. Ngoài ra, có 142 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác trú đóng tại thành phố. Tuy nhiên, hoạt động của các báo còn rời rạc, chưa có điều kiện để tập trung, trao đổi.