Ký ức tuổi thơ của tôi là những trận đòn roi của bố. Ảnh minh họa internet. |
Bố tôi 52 tuổi, có chức cao vọng trọng. Mẹ tôi thì buôn bán và nội trợ. Tôi đang làm cho một công ty lớn ở Hà Nội. Người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy ghen tị với gia đình của tôi khi được phủ bằng sự hào nhoáng, “long lanh” là kinh tế khá giả, nhà cao cửa rộng, có chức có quyền, con cái ngoan ngoãn, học giỏi… Thế nhưng, sống trong ngôi nhà tưởng như mơ ước ấy, đứa con như tôi chỉ cảm nhận được sự bất hạnh và tổn thương.
Bố tôi rất cục tính. Cứ tưởng, học nhiều, chức to, bố sẽ cư xử tử tế, đúng với tầm của mình. Thế nhưng, ở nhà, ông xưng hô mày - tao với vợ con. Những ngày tôi còn nhỏ, tôi thậm chí không biết sai ở đâu, mắc lỗi gì mà cứ bị bố lôi ra đánh. Người bố cao, to, bố luôn dùng cánh tay “hộ pháp” mà tát và đánh túi bụi vào mặt, tóc của tôi. Có lần, vào năm lớp 6, tôi bị bố đánh gãy mũi và phải nhập viện. Nguyên nhân chỉ vì tôi rửa tay xong nhưng tay còn ướt mà đã động vào tường.
Trong nhà, bất kể đồ đạc gì, chỉ cần vương ít bụi hay xây xát một chút là bố lại đổ lên đầu mẹ con tôi bằng những trận đòn và những câu chửi tục tĩu. Cả ký ức tuổi thơ của tôi cho đến giờ về bố là bố quý đồ vật hơn con người. Dù nhà khá giả nhưng mẹ con tôi “có quạt không dám bật, ti vi không dám xem, tủ lạnh không dám mở, thảm trải trên ghế không dám ngồi”. Chỉ trừ những lúc có khách, còn lại ông bà, mẹ con tôi chỉ ngồi dưới đất. Bố tôi luôn nói: Tiền của tao, nhà tao mua, đồ tao sắm, tao có quyền…
Tôi sợ trở về nhà, sợ đối diện với những tổn thương khủng khiếp. Ảnh minh họa internet. |
Tưởng chừng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi tôi lên học đại học, rồi ra trường, bố sẽ thay tính đổi nết. Thế nhưng, vì đi học xa nhà nên tôi ít chứng kiến, ở nhà, bố vẫn thế, vẫn chửi bới, thậm chí còn đập ghế, đập đồ, bê cả nồi cơm điện, ti vi để ném vào người mẹ.
Hôm nay, sau thời gian dài không muốn về nhà, tôi trở về theo lời giục của mẹ. Thế nhưng, bố “đón tiếp” tôi bằng bát canh nóng đổ lên đầu cùng 5 cái tát liên tiếp vào mặt, đầu khiến cái kính bị gãy cùng rất nhiều lời mắng chửi thô lỗ. Lý do cũng chỉ vì tôi dám bênh con mèo “nằm chắn giữa lối, làm phiền bố”.
Tôi đã xách ba lô để đi Hà Nội. Tôi thực sự không muốn quay trở về ngôi nhà không khác gì địa ngục, nơi tôi chưa bao giờ được cảm nhận sự ấm áp của tình yêu thương. Ngôi nhà, lẽ ra là nơi bình yên nhất, là nơi con người muốn trở về nhất sau những mệt mỏi, buồn đau, vậy mà nó lại là nơi khiến tôi đau lòng, tổn thương và sợ sệt nhất.