3 bộ phim đầy ám ảnh dựa trên những vụ án nổi tiếng

Ngân Kim (tổng hợp)
01/10/2021 - 09:34
3 bộ phim đầy ám ảnh dựa trên những vụ án nổi tiếng

Diễn viên Hilary Swank vào vai Brandon Teena trong phim "Con trai không khóc"

Đối với các nhà làm phim tâm huyết với thể loại tâm lý - tội phạm hay kinh dị, những vụ thảm sát ngoài đời luôn là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm điện ảnh. Tất cả đều là những chất liệu đời thực dẫn dắt khán giả khám phá những góc khuất trong tâm lý con người.

"Con trai không khóc"

Brandon Teena là một thanh niên có tuổi thơ dữ dội. Sinh ra là phụ nữ nhưng Teena đã tranh đấu bằng tất cả những gì anh có được để được công nhận là nam giới. Ở tuổi 18, Brandon đăng ký vào quân đội nhưng đã bị từ chối vì điền giới tính là nam. Bị gia đình chối bỏ, bạn bè cười nhạo, thiếu niên này bị đuổi học và bị ép phải đi điều trị tâm thần vì được chẩn đoán "khủng hoảng giới tính". Đêm Giáng sinh, Brandon bị 2 "người bạn" làm nhục trước mặt bạn gái và cưỡng hiếp tập thể. Khi anh trốn đến đồn cảnh sát và tố cáo, phía cảnh sát đã không làm gì để bắt những kẻ hiếp dâm: "Loại con gái gì vậy chứ? Cô ta cứ đến và một mực nói mình là đàn ông", họ nói.

Ngày 31/12/1993, Brandon cùng 2 người bạn đã bị 2 kẻ tấn công nọ sát hại ngay trong nhà. Đến tận lúc chết, không ai thừa nhận với Brandon thứ mà anh tìm kiếm cả đời. Cuộc đời bi thương của người chuyển giới yểu mệnh được khắc họa trong bộ phim "Boys Don’t Cry" (tạm dịch: Con trai không khóc) ra mắt năm 1999, với vai chính trao cho diễn viên Hilary Swank. Tác phẩm đem về giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" cho Hilary Swank, cũng như cất lên tiếng nói đòi bình quyền và an toàn cho người chuyển giới.

"Hồi ức kẻ sát nhân"

Dựa trên vụ giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, năm 2003, bộ phim "Memories of Murder" (Hồi ức kẻ sát nhân) của đạo diễn Bong Joon-ho khiến người xem ớn lạnh vì các tình tiết kinh hoàng, bí ẩn. Hàn Quốc những năm 1980, sự tương đồng trong các vụ giết người liên tiếp xảy ra khiến cảnh sát đau đầu, còn xã hội xót xa vì các nạn nhân đều là phụ nữ trẻ, trong số đó còn có học sinh.

Bong Joon-ho (người sau này mang vinh quang về cho điện ảnh Hàn Quốc tại giải Oscar với phim "Ký sinh trùng") đã bám sát sự thật, thậm chí còn giữ lại một số tình tiết thực của các vụ giết người. Ví dụ, cả trong phim và vụ án ngoài đời, kẻ giết người bịt miệng phụ nữ bằng đồ lót của họ. Các điều tra viên tìm thấy chất dịch cơ thể nghi là của kẻ sát nhân trong hiện trường vụ án nhưng không có quyền truy cập vào thiết bị để xác định xem DNA có trùng khớp với các nghi phạm hay không.

Với sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả và giới phê bình, tại Giải thưởng Điện ảnh Đại Chung lần thứ 40, "Hồi ức kẻ sát nhân" giành giải "Phim hay nhất", còn Bong Joon-ho và Song Kang-ho lần lượt nhận giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" và "Diễn viên chính xuất sắc nhất". Tác phẩm cũng được đem trình chiếu và nhận được đánh giá rất cao tại nhiều liên hoan phim quốc tế như Cannes, Hawaii, London, Tokyo... Theo một khảo sát với giới chuyên gia trên tờ Sports Dong-A, "Hồi ức kẻ sát nhân" dẫn đầu danh sách những phim hay nhất trong suốt 100 năm, từ năm 1919 đến năm 2019 của điện ảnh Hàn Quốc.

"Quái vật"

Nữ sát nhân hàng loạt Aileen Wuornos từng khiến nước Mỹ rúng động vì tội ác giết 7 người chỉ trong vòng 1 năm. Là nạn nhân của bạo lực gia đình, hiếp dâm, tảo hôn, Wuornos sớm hành nghề mại dâm với sự thù ghét sâu sắc đàn ông. Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy với nhiều vết bắn. Bộ phim "Monster" (Quái vật) - tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Patty Jenkins công chiếu năm 2003 - đã khai thác xuất sắc bi kịch của một kiếp người bị dồn vào đường cùng, để rồi trở thành một quái vật khát máu.

Là một trong những nhan sắc hàng đầu Hollywood, diễn viên Charlize Theron đã khiến khán giả không thể tin nổi vào mắt mình với tạo hình của cô trong "Monster". Vào vai tên sát nhân Aileen Wuornos, Charlize Theron xuất hiện với mái tóc lúc nào cũng bết dính, làn da đầy tàn nhang. Hình ảnh của nữ diễn viên trong phim giống với nguyên mẫu đến 95%. Để nhập vai, Theron đã phải tăng gần 15kg và đeo răng giả. Nhà phê bình phim Roger Ebert nhận xét: "Những gì Charlize Theron đạt được trong "Monster" không phải là diễn xuất mà là hóa thân. Đây là một trong những vai diễn vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh".

Cảnh cuối phim, Charlize Theron đã thể hiện cùng lúc 3 cảm xúc trong con người Aileen Wuornos. Tình yêu dành cho người tình đồng tính, sự khổ đau khi nhận bản án từ chính người mình yêu thương và sự phẫn nộ, độc ác của một tên giết người hàng loạt. Với vai diễn này, Charlize Theron đã đoạt giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" và giải Quả cầu vàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm