Lúc mới kết hôn, chưa làm ra nhiều tiền, vợ chồng chị không tiết kiệm được mấy cũng là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, với mức thu nhập khá cao của hai vợ chồng hiện giờ, chị cũng chẳng để ra được là bao.
Chị Ngọc Anh quan niệm, tiền làm ra phải để phục vụ cho cuộc sống. Mỗi tháng chị tốn hơn 10 triệu đồng để “nuôi” ô tô và người giúp việc, gần 20 triệu tiền học cho 2 con và các khoản sinh hoạt phí khác. Chưa kể, chị tốn cả trăm triệu tiền mua thẻ phòng tập theo năm, mua quần áo, giày dép hàng hiệu, mỹ phẩm chăm sóc da, massage…
Với cách tiêu này, chị gần như không có khoản phòng thân. Trong khi với thu nhập như chị, nhiều bạn bè đã tiết kiệm mua được nhà. Chị Ngọc Anh suy nghĩ rất nhiều và biết mình cần phải thay đổi cách chi tiêu.
Chị lên kế hoạch ngân sách cho gia đình bằng việc ghi chép lại những khoản đã chi tiêu. Chị tải một ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân trên máy tính và điện thoại di động để ghi lại tất cả hóa đơn và chi tiêu mỗi tháng.
Khi có thông tin tài chính trong tay, chị thấy mình đã quá hoang phí những khoản không cần thiết. Tiền học cho con, tiền ăn uống trong gia đình, tiền đối nội, đối ngoại, đó là những khoản bất di bất dịch chị không thể giảm. Chị thấy mình đang chi tiêu quá nhiều vào việc mua sắm, ăn uống, mua thẻ phòng tập, chăm sóc sắc đẹp...
Tiết kiệm không có nghĩa là chị cắt hẳn mà là giảm dần. Bởi, nhiều thứ chị mua vì theo phong trào nhưng lại cất một góc chứ không sử dụng.
Thay đổi thói quen sau 1 tháng, chị để được 8 triệu. Từ tháng thứ 2, thứ 3 chị tiết kiệm được nhiều hơn khi thói quen chi tiêu hợp lý đã đi vào guồng. Giờ đây, số dư tài khoản của chị mỗi năm tăng 200-300 triệu. Chị đặt mục tiêu dài hạn hơn như mua nhà, tích lũy cho tương lai.
Để thay đổi thói quen chi tiêu, kinh nghiệm của chị Ngọc Anh là:
- Lưu giữ cẩn thận các ghi chép về chi tiêu. Tạo một bảng tính, dùng một cuốn sổ, hay tải về một ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân trên máy tính hoặc điện thoại di động để ghi lại tất cả hóa đơn và chi tiêu mỗi tháng.
- Xem xét kĩ càng để tìm ra những vấn đề trong cách tiêu tiền. Có khoản nào cần giảm bớt không? Có khoản nào có thể tiết kiệm được không?