Trước đó, anh S. (SN 1981) cùng với con gái và con rể bị bỏng nặng trong lần đi giao bình gas tại tỉnh Campong Cham (Campuchia). Cả 3 bệnh nhân được chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn để điều trị.
Cả 3 bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trong tình trạng sốc, bỏng toàn thân, nặng nhất ở vùng mặt và 2 chân. Các y bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã xử trí nhanh chóng bước đầu bằng cách bù dịch, dùng kháng sinh và giảm đau cho các bệnh nhân. Trong 3 bệnh nhân thì nặng nhất là trường hợp anh N. (SN 1995) bị bỏng độ III với diện tích bỏng 58%, suy hô hấp do khí gas.
BS.CKI Hồ Thanh Lịch - Trưởng khoa ICU cho biết, may mắn là mặc dù bị bỏng nặng ở vùng mặt nhưng cả 3 cha con bệnh nhân đều không bị ảnh hưởng đến thị lực. “Những trường hợp bỏng nặng như thế này chúng tôi phải theo dõi và chăm sóc đặc biệt vì ban đầu có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng như sốc do mất dịch, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp… Phải sau 1 tuần điều trị chúng tôi mới dám khẳng định là đã giữ được tính mạng cho cả 3 cha con”, bác sĩ Lịch nói.
Sau hơn 20 ngày điều trị, tình trạng các bệnh nhân ổn định. Riêng trường hợp của bệnh nhân S. phải điều trị tại bệnh viện lâu hơn vì biểu hiện loạn thần do sang chấn tâm lý. Theo bác sĩ, đây là tình trạng rối loạn stress vì sợ hãi, lo âu, thường gặp đối với những bệnh nhân trải qua những sang chấn tâm lý sau cơn hỏa hoạn hay cú sốc lớn sau tai nạn.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn đã hội chẩn với Bệnh viện Tâm Thần để chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc bình thần, gây ngủ, giúp cho người bệnh giảm bớt các rối loạn lo âu và rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó các bác sĩ và điều dưỡng cũng thường xuyên động viên tinh thần giúp bệnh nhân giữ vững tâm lý để chấp nhận sau tai nạn.
Đến nay, tinh thần của anh S. dần ổn định hơn, có thể cười nói, trò chuyện với bác sĩ và đã được xuất viện.