pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 chỗ ngứa có thể cảnh báo dấu hiệu mắc bệnh tiểu đường
Ảnh minh họa
Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính nguy hiểm, nó phát triển khi lượng đường trong máu (đường huyết) của bạn quá cao. Lúc này, cơ thể không tự sản sinh insulin hoặc insulin tiết ra không đủ để hấp thụ glucose trong máu. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như hư thận, tai biến mạch máu, đau hệ thần kinh…
Theo Adam Hotchkiss, tiến sĩ chuyên về bệnh tiểu đường tại Detroit (Mỹ), rất nhiều người mắc loại bệnh này nhưng không thể chẩn đoán được. Nguyên nhân là vì đường huyết chưa cao tới mức nguy hiểm, cho nên cơ thể sẽ không xuất hiện triệu chứng cụ thể nào. Đến khi phát hiện được thì quá muộn để điều trị hiệu quả.
Chính vì vậy, nhận biết và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh tiểu đường là việc quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Đáng quan ngại là bệnh đang dần trẻ hóa do thói quen và lối sống sinh hoạt thiếu khoa học của người trẻ. Tiến sĩ Adam cảnh báo, nếu trên cơ thể xuất hiện "3 chỗ ngứa" thì hãy cảnh giác bệnh tiểu đường.
"3 chỗ ngứa" là dấu hiệu bệnh tiểu đường, nên cảnh giác
1. Ngứa chân
Ngứa chân là dấu hiệu khá bình thường với nhiều người, có thể liên quan đến bệnh nấm chân. Tuy nhiên nếu đã bôi thuốc và vệ sinh sạch sẽ mà vẫn không hết ngứa chân, hãy nghĩ đến việc kiểm tra chỉ số đường huyết xem có cao bất thường hay không. Đây là tín hiệu sớm của bệnh tiểu đường mà ai cũng vô tình bỏ qua.
Tiến sĩ Adam cho biết, khi đường huyết tăng thì cơ thể sẽ bị mất nước và giảm lưu lượng máu đến chân. Cộng thêm việc các dây thần kinh bị tổn thương khiến quá trình bài tiết mồ hôi của da bị rối loạn, dẫn đến khô và ngứa da rất nhiều, đặc biệt là ở phần bàn chân.
2. Ngứa tai
Tai là bộ phận nhạy cảm của cơ thể con người. Chúng sở hữu lượng lớn hệ thống thần kinh tương tác với cơ thể, cho nên có khả năng phản ánh một số bất thường của sức khỏe. Khi thấy ngứa tai, ai cũng nghĩ chỉ cần lấy tăm bông vệ sinh là xong. Tuy nhiên đây cũng là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.
Khi lượng đường trong máu tăng đột biến, nó sẽ kích thích các tuyến bã nhờn trong tai khiến tai bẩn hơn, có nhiều "rác" và chất bẩn nên gây ngứa trầm trọng. Nếu ngứa tai do bệnh tiểu đường, bạn có ngoáy tai bao nhiêu lần cũng không thấy thuyên giảm. Chính vì vậy hãy cẩn thận và đo lượng đường trong máu sớm.
3. Ngứa mắt
Ngoài chân và tai thì mắt cũng là một vị trí dễ bị ảnh hưởng do biến chứng của bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Adam cảnh báo, khi lượng đường trong cơ thể tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp tới hệ thần kinh, bao gồm các dây thần kinh ở mắt. Biểu hiện ban đầu là bị khô mắt, ngứa ngáy ở mắt dù không có dị vật hay bị tác động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường còn làm suy giảm thị lực và gây mỏi mắt, nhức mắt liên tục. Lúc này lượng đường huyết cao đã khiến thủy tinh thể bị sưng, làm thay đổi khả năng nhìn. Cần lưu ý đây là một trong những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân tiểu đường phải gặp, nếu không điều trị sớm có thể gây mù vĩnh viễn.
Những thói quen giúp cân bằng lượng đường trong máu
- Làm việc và nghỉ ngơi khoa học
Khi làm việc quá sức thì cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, từ đó khiến các dây thần kinh giao cảm hoạt động quá mức. Thần kinh giao cảm có liên quan trực tiếp đến quá trình bài tiết insulin và làm tăng lượng đường trong máu. Cho nên hãy nghỉ ngơi và làm việc cân bằng, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể được hồi phục.
- Ăn nhiều rau xanh
Rau là nhóm thực phẩm cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. Chất xơ tuy không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Khi vào cơ thể, chúng sẽ cản trở quá trình hấp thụ đường ở niêm mạc ruột, nhờ đó làm chậm quá trình tăng đường huyết sau ăn.
- Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục không chỉ giúp vóc dáng đẹp hơn mà còn tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Khi cơ thể hoạt động sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đổ mồ hôi, khiến bạn phải bổ sung nước. Uống đủ nước sẽ làm loãng nồng độ máu và hỗ trợ cơ thể tự kiểm soát đường huyết.