Đã từ lâu, phong tục xin và cho chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an.
Những chữ viết cầu may được trao – tặng dựa theo mong muốn của từng người. Người đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; Người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; Người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; Để đi tặng thường xin chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"...
Nếu muốn xin chữ ông đồ và tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của thư pháp Việt, bạn có thể ghé qua những địa chỉ dưới đây:
Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019
Hội chữ Xuân Kỷ Hợi được tổ chức trong không gian mang đậm chất Tết xưa tại Hồ Văn – Văn Miếu (Quốc Tử Giám) là điểm đến du xuân của người dân thủ đô trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi.
Không gian Tết được phục dựng tại 60 gian Ông đồ cho và tặng chữ đầu Xuân, khu trưng bày nón lá làng Chuông kết hợp tiểu cảnh khuôn viên vườn, bếp Việt; tái hiện bức tranh làng quê Việt yên bình trong tiểu cảnh Trống Đọi Tam và bức tường cổ trưng bày cá chép vượt vũ môn cùng không gian chợ phiên làng nghề đa dạng với các mặt hàng thủ công truyền thống…
Hội chữ Xuân Kỷ Hợi diễn ra đến hết ngày 17/02/2019 (13 tháng Giêng âm lịch) tại Hồ Văn - Văn Miếu, 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội. Tham dự tự do.
Góc thư pháp Hà Thành
Với mong muốn tôn vinh và gìn giữ nét đẹp truyền thống đầu xuân, góc Thư Pháp được diễn ra trong khuôn viên khách sạn Hà Nội Daewoo, để người dân thủ đô cũng như du khách quốc tế tìm hiểu nghệ thuật “họa chữ” dưới bàn tay khéo léo của thầy đồ Thành Long.
Trong một không gian đặc trưng văn hóa Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về với bánh chưng xanh, mâm ngũ quả rực rỡ, cành đào hồng đất Bắc, sắc mai vàng phương Nam…, trang giấy đỏ với nét bút mềm mại, bay bổng sẽ mang đến những lời chúc tốt đẹp, may mắn cho năm mới. Tham dự tự do.
Tập viết thư pháp truyền thống
Đến với chương trình Tết 2019 diễn ra trong 2 ngày ngày Mồng 5, 6 Tết (thứ 7, chủ nhật, 9 &10/2/2019) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bạn không chỉ được xin chữ và còn có thể tự tay viết những bức thư pháp cầu may theo hướng dẫn của các ông đồ.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tham gia khám phá, trải nghiệm Tết của người Việt thông qua một số hoạt động khác như: in tranh Đông Hồ, nặn tò he 12 con giáp, tô vẽ tranh 12 con giáp, tham gia các trò chơi dân gian của các số dân tộc…