pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 điều để giao tiếp với họ hàng, bị hỏi khó đến mấy cũng biết tinh tế trả lời
Trong xã hội này, bất kể bạn thích đi đi về về một mình, nhưng thật khó trốn đi để “cô đơn” thật sự. Bất kể bạn không thích hòa nhập đến đâu, chí ít vẫn có một vài người bạn tâm giao, Tết đến xuân về phải giao tiếp với họ hàng.
Nếu đã không thể tránh né trường hợp này, vậy thì hãy học những kỹ năng giao tiếp thông minh.
Tác giả Diệc Thư (nhà văn Trung Quốc) viết trong cuốn “Bong bóng tường vi”: “Làm người phải biết dè dặt, bình thản qua ngày, không cần thiết kì kèo hay so đo. Nước trong không có cá, người thanh liêm lại ít có tri kỉ. Con người không ai có thể đi cùng nhau đến hết đời, có một vài chuyện chỉ nên để trong lòng là được” (tạm dịch).
Sống ở đời, giả vờ ngốc nghếch, vui vẻ thêm vài phần. Giao tiếp với họ hàng bằng 3 điều dưới đây để ứng xử khéo léo:
1. Thu nhập kinh tế, uyển chuyển tránh né
Năm mới, họ hàng tụ tập mở tiệc. Bạn đi làm xa trở về thường bị hỏi: “Năm nay kiếm được bao nhiêu?”, “Lương tháng bao nhiêu?”...
Bạn ngại ngùng, đành trả lời: “Không nhiều lắm, chỉ đủ sống”.
Họ hàng tiếp tục nói: “Dở thế! Con trai bác năm nay kiếm được cũng kha khá, nó kinh doanh một cửa hàng…”.
Bạn nghe thế thì bắt đầu thất vọng về bản thân, cảm thấy gặp mặt họ hàng là chuyện không đúng đắn.
Một nhóm người tụ họp với nhau khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề nhạy cảm, trong đó tiền bạc đáng lưu ý hơn cả. Bạn nghèo nàn, mọi người xem thường. Bạn giàu sang, nhiều tiền tiết kiệm, có người ghen tị, có người đến mượn tiền.
Người xưa có câu: “Thân quyến không nói về tiền bạc, nếu không muốn đoạn tuyệt quan hệ”.
Tiền bạc là chuyện nhạy cảm nhất trên đời này. Mượn tiền không trả, sứt mẻ tình cảm, không nhìn mặt nhau, bất kể thân thiết đến mấy cũng tan vỡ.
Người thông minh là phải biết tránh né những câu hỏi về tiền bạc, thu nhập, khoản tiết kiệm. Im lặng phát tài mới là sự giàu có đúng nghĩa. Bạn có thể trả lời: “Cũng được”, “Cũng ổn”, “Có khoản phòng thân”, “Để xem năm sau thế nào”... để khép lại vấn đề.
2. Chuyện xấu trong nhà, giữ im lặng
“Cháu mới ly hôn đúng không? Hai vợ chồng sống thế nào mà chỉ mới lấy nhau về mấy năm đã chia tay thế?”...
Ly hôn là chuyện không hề vui vẻ, song những câu hỏi này lại càng khiến người trong cuộc đau đớn hơn. Song, chúng ta chẳng thể cấm được quyền phát ngôn của một người. Vậy thì tốt nhất là chọn cách im lặng.
Ai cũng hiểu là chuyện gia đình không nên bàn tán ra bên ngoài. Nhưng họ hàng sớm muộn cũng biết được bằng một cách nào đó, đặt biệt là chuyện xấu xí trong nhà.
Người ta có câu: “Nếu sự thật sẽ gây tổn thương, vậy thì hãy nói dối. Nếu nói dối là một loại tổn thương, hãy im lặng. Nếu im lặng gây ra thương tổn, hãy chọn cách dời đi”.
Làm người phải biết tìm đường lui cho mình. Nếu bạn cứ mãi chống chế cho vấn đề khiến mình tổn thương, thì lời nói của đối phương sẽ là nhát dao chí mạng. Giữ im lặng, không trả lời, thậm chí bạn có thể nở nụ cười lịch sự rồi tránh xa. Hãy biết rằng: Nếu bạn không thấy ngại, thì người ngại không phải là bạn.
3. Quà cáp qua lại, không tính thiệt hơn
Họ hàng tặng quà, bạn có thể tặng lại xem như đáp lễ lịch sự và thỏa mãn lòng nhau. Nhưng lễ vật không nên ngang bằng nhau. Nếu bạn tính toán chi li thì xem như mối quan hệ không thể bền lâu.
Một cư dân mạng chia sẻ rằng: “Họ hàng của tôi cũng thật kỳ cục. Khi họ kết hôn, tôi tặng rất nhiều tiền. Nhưng đến khi tôi kết hôn, họ chỉ đi có bấy nhiêu”.
Nhiều người chỉ vì một chút hụt hẫng trong lòng mà đã quyết định chấm dứt một mối quan hệ. Sự chênh lệch khoản tiền này đáng giá bằng phần tình cảm đã duy trì bấy lâu sao?
Song, bất kể ở trong mối quan hệ nào, quá xem trọng chuyện quà cáp là biểu hiện của việc chưa biết đối nhân xử thế. Nên biết rằng, mỗi người mỗi cuộc sống, tuổi tác không giống nhau, quan niệm khác nhau, tình hình kinh tế cũng không như nhau, thông cảm và hiểu cho nhau mới phải đạo.
Do đó, hãy tặng quà theo khả năng, không cần nghĩ đến nhiều vấn đề khác, lòng tự nhiên nhẹ nhõm muôn phần.