pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 điều nên làm thường xuyên để trẻ lớn lên vẫn muốn thể hiện tình cảm với mẹ
Mẹ và con cái có sự gắn kết và gần gũi hơn hẳn so với người bố. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên điều này sẽ có sự giảm sút do cách dạy dỗ của từng người mẹ. Vì vậy, nếu không muốn con cái ngày càng xa lánh mình, người mẹ cần phải thay đổi.
Khi trẻ lớn dần, chúng sẽ trở nên độc lập và có chính kiến của riêng mình. Nhưng điều này không có nghĩa là trẻ sẽ trở nên xa lạ với mẹ, chỉ đơn giản là không còn gần gũi nữa.
Nếu muốn con lớn rồi vẫn còn thích thể hiện tình cảm với mẹ, vẫn ôm hôn mẹ, điều này cần người mẹ thường xuyên làm 3 điều dưới đây.
1. Luôn hỏi ý kiến của con cái
Một số người mẹ cho rằng, con cái do mình sinh ra nên chúng phải nghe lời mình. Khi trẻ còn nhỏ, chúng dễ dàng nghe theo mọi yêu cầu của người mẹ vì chưa có khả năng nhận thức.
Thế nhưng, khi trẻ lớn lên, nếu người mẹ vẫn giữ tính cách áp đặt, luôn yêu cầu con phải nghe lời mình tuyệt đối, tự nhiên trẻ sẽ nảy sinh tâm lý muốn chống đối.
Trong quá trình trẻ lớn lên, nếu người mẹ muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với con mình thì phải biết học cách hỏi ý kiến của con, đối xử một cách bình đẳng với con. Trẻ con dù còn nhỏ nhưng ý kiến của chúng vẫn quan trọng trong gia đình.
Một số người mẹ thường hay nói "trẻ con thì biết gì", "con còn nhỏ đừng có xen vào chuyện của người lớn". Những câu nói này khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình như vậy rất dễ xa lánh cha mẹ sau khi đến tuổi thiếu niên.
Khi lớn lên, cách cư xử của con cái chính là hình ảnh thu nhỏ của cách cư xử của cha mẹ. Khi một đứa trẻ xa lánh hoặc chán cha mẹ, có thể trong lòng chúng nghĩ: "Đừng can thiệp vào chuyện của con".
2. Cho con cái không gian riêng
Quá trình con cái lớn lên cũng là quá trình người mẹ học cách buông bỏ. Đứa trẻ đang lớn giống như một chú đại bàng con, khi đã tung cánh là khao khát một bầu trời tự do.
Lúc này, điều người mẹ nên làm là học cách buông bỏ thay vì bảo bọc để con cái được tự do phát triển.
Tuy nhiên, nhiều người mẹ vì quá yêu thương con mình nên luôn trong tâm trạng "con thiếu mẹ thì chúng biết sống như thế nào".
Nhưng đối với con cái, điều chúng sợ không phải là bị thương hay vấp ngã, mà là sự cằn nhằn không ngớt và sự thiếu tin tưởng của cha mẹ.
Dù có lo lắng thì người mẹ vẫn nên giữ trong lòng. Ở trong giai đoạn này, sự tin tưởng và buông bỏ của người mẹ là món quà lớn nhất dành cho con.
3. Học cách giao tiếp với con một cách tình cảm
Khi trẻ bước vào mẫu giáo, tiểu học, chúng sẽ có thêm nhiệm vụ học tập, cách giao tiếp với con cái lại càng thực tế hơn. Một số cha mẹ có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới kết quả học tập của con, nếu không biết cách giao tiếp, trẻ sẽ ngày càng xa lánh và cho rằng cha mẹ không hiểu mình.
Trên thực tế, bất kể con cái đang ở giai đoạn phát triển nào thì cũng cần cha mẹ quan tâm, thể hiện tình cảm. Dù trẻ nhỏ hay lớn thì chúng vẫn luôn có nhu cầu về tình cảm với cha mẹ.
Vì vậy, nếu muốn con cái lớn lên luôn gần gũi với mình, chuyện gì cũng tâm sự, người mẹ nên cố gắng giao tiếp tình cảm với con nhiều hơn, đừng lúc nào cũng hỏi con học gì, điểm bao nhiêu mà hãy quan tâm tới những thay đổi cảm xúc của con.
Tóm lại, khi người mẹ muốn làm thân với con mình, cần phải quan tâm tới nhu cầu tình cảm của con trong từng giai đoạn để có cách ứng xử phù hợp. Con cái sẽ từ chối gần gũi, thân thiết với mẹ nếu chúng cảm thấy mẹ không hiểu mình.