3 lần cắt tay, chân vì chủ quan khi sử dụng điện

25/08/2016 - 10:31
Tại khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy (TPHCM), nhiều bệnh nhân phải cắt cụt tay, chân do một phút sơ ý khi sử dụng điện.
Dạo một vòng khu vực điều trị cho các bệnh nhân bị bỏng nặng, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy, chỉ cho chúng tôi từng trường hợp nằm điều trị do phỏng điện. Người phải băng bó toàn thân, người cắt cụt tay, người mất cả 2 tay, 1 chân… Đau lòng hơn, tất cả số bệnh nhân đó đều còn rất trẻ, đang trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính của gia đình.

"Không bác sĩ nào muốn cắt chi bệnh nhân của mình, chúng tôi thấy xót xa về điều đó, nhưng nếu giữ chi hoại tử, toàn bộ khu vực đó sẽ gây ra nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm độc, nhiễm trùng máu, bệnh nhân dễ tử vong. Đáng lo nhất là số bệnh nhân bị phỏng điện phải cắt chi đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong mùa mưa bão", bác sĩ Hiệp tâm sự.

Lật cho chúng tôi xem bệnh án của bệnh nhân Đinh Văn Tuấn (1974), ngụ tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), nhập viện ngày 20/7 trong tình trạng bị phỏng điện 23% độ 2,3,4 toàn thân và tứ chi. Sau gần 2 tuần nỗ lực, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Nhưng điều này không có nghĩa, anh Tuấn được trở về nguyên vẹn. “Bệnh nhân trải qua 3 lần cắt cụt chi, ngày ngày 23/7, chúng tôi phải cắt cụt 1/3 cẳng tay trái; ngày 3/8, cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và ngày 16/8, cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái. Sau 32 ngày nằm điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện, nhưng chỉ còn 1 chân phải, bệnh nhân sẽ làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình với 1 chân còn lại đó”, bác sĩ Hiệp trầm tư.

Dẫn chúng tôi đến phòng bệnh số 4, nơi anh Lê Đình Minh (1984), ngụ tại Thanh Chương (Nghệ An) đang vật vã với những cơn đau khi cả 2 tay đều phải cắt cụt. Đây là một trong những bệnh nhân hiếm hoi am hiểu tất cả các quy tắc an toàn về điện mà bác sĩ Hiệp và đồng nghiệp của mình từng tiếp nhận. Bởi, hầu hết các bệnh nhân được chuyển đến do phỏng điện đều chưa từng biết về an toàn điện.

Mấp máy đôi môi một cách khó nhọc, anh Minh kể, sau khi học xong trung cấp ngành điện, anh vào TP.HCM làm thuê cho một công ty. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, các quy tắc an toàn điện anh đều thuộc lòng bởi năm nào công ty cũng mở lớp bắt nhân viên đi học. Ngày tai nạn ập đến, Sài Gòn không mưa, thời tiết đẹp, nhưng vì sự chủ quan, anh đã biến mình trở thành người tàn phế.
img_3309.JPG
Anh Minh không biết cuộc sống sẽ ra sao khi đôi tay không còn nữa
“Tôi xin nghỉ việc ở công ty khoảng hơn 1 tuần trước khi xảy ra tai nạn, họ cũng đã ký giấy nghỉ việc. Nhưng do thiếu người, công ty kêu tôi quay lại làm việc, làm ngày nào trả lương ngày đó. Hôm xảy ra tai nạn là 24/7, mọi người nói ngắt điện rồi, tôi chưa kiểm tra mà đã trèo lên, vòng dây điện lên người và… không còn biết gì nữa. Bác sĩ nói tôi phải cắt cụt 2 chi trên để cứu tính mạng, nhưng mất cả 2 tay, tôi có thể làm gì để sống?, vợ con cũng chưa có, cuộc đời rồi sẽ ra sao?”, anh Minh nghẹn giọng.

Không giấu được nỗi đau xót khi thường phải chứng kiến nhiều bệnh nhân mất chi do phỏng điện, bác sĩ Hiệp lý giải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phỏng điện thường là do làm việc gần đường điện, treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện… Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng. Vì vậy, ngay cả khi khoảng cách an toàn điện đã được đảm bảo nhưng khi trời mưa, nó không an toàn nữa.

“Hiện tại Khoa có khoảng 70 bệnh nhân nhưng số trường hợp bị phỏng điện chiếm khoảng 10-15%, trong số đó, 50% phải cắt chi. Bỏng điện để lại nhiều hậu quả, khả năng lao động, sinh hoạt kém, chấn thương về tâm lý, khó hồi phục. Nhiều bệnh nhân cắt cụt chi có ý định tự tử, chúng tôi phải làm công tác tâm lý trước khi thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương, vỡ xương chậu…”, bác sĩ Hiệp nói.

Để phòng tránh những tai nạn do phỏng điện, bác sĩ Hiệp khuyến cáo, các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện, về khoảng cách, bảo hộ đặc biệt là hướng dẫn cho người lao động quy tắc an toàn về điện. Còn về phía người dân, cũng cần thực hiện các quy tắc an toàn, khi sử dụng điện lưới như: Không dùng tre, tầm vông hoặc các loại cây que nhỏ để làm trụ điện; sử dụng loại dây điện có chất lượng tốt, phù hợp với công suất điện; chỉ sửa chữa điện khi đã ngắt cầu dao, nguồn điện; bố trí nguồn điện, các thiết bị điện quá tầm với của trẻ để đảm bảo trẻ nhỏ không thể chạm tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm