pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 loại tinh dầu cho người bị nôn nao do say rượu
Mặc dù các nghiên cứu về tinh dầu và hiệu quả của tinh dầu trong việc giảm nhẹ cảm giác nôn nao do rượu vẫn chưa quá phổ biến nhưng theo Healthline, một số loại tinh dầu có thể thực sự có ích, bao gồm tinh dầu gừng, tinh dầu bạc hà và tinh dầu hoa oải hương.
1. Giảm nôn nao với tinh dầu gừng
Gừng là gia vị không còn xa lạ với người Việt khi được ứng dụng trong nấu ăn, pha trà hay các thực phẩm bổ sung và tinh dầu. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng của gừng đối với sức khỏe, trong đó tinh dầu gừng có thể được sử dụng bằng máy khuếch tán tinh dầu hoặc bôi tại chỗ như một loại dầu mát-xa để giải quyết các triệu chứng nôn nao.
Tinh dầu gừng là dạng chiết xuất tinh túy từ củ gừng, sử dụng phương pháp chưng cất hơi nước hoặc ép lạnh để thu được hợp chất tinh dầu đậm đặc. Tinh dầu này chứa nhiều hợp chất hữu ích như gingerol và shogaol, được sử dụng trong việc hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, kích thích tuần hoàn máu và có thể giúp giảm viêm nhiễm.
- Buồn nôn
Gừng từ lâu đã được sử dụng để giảm cảm giác buồn nôn do nó chứa các hợp chất có thể giúp làm dịu dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.
Tinh dầu gừng, là dạng chiết xuất từ củ gừng, cũng có thể được dùng để giảm triệu chứng buồn nôn, theo nghiên cứu năm 2016 trên NCBI. Một nghiên cứu khác năm 2017 cũng trên NCBI được thực hiện trên những bệnh nhân phẫu thuật bụng cho thấy cơn buồn nôn và nôn mửa của họ giảm đáng kể sau khi trị liệu với dầu gừng.
Bạn có thể thử đặt vài giọt tinh dầu gừng vào một miếng vải sạch hoặc khăn giấy và hít thở sâu hoặc pha loãng với dầu dẫn như dầu dừa và massage nhẹ nhàng lên vùng cổ hoặc bàn tay.
- Đau mỏi người
Các nghiên cứu về tác dụng của tinh dầu gừng trong giảm đau mỏi người được thực hiện chủ yếu trên người lớn tuổi, giúp giảm tình trạng đau lưng mãn tính và viêm khớp gối khi kết hợp với dầu hương thảo ở các đánh giá ngắn hạn và dài hạn.
Điều này là nhờ đặc tính chống viêm mạnh mẽ của tinh dầu gừng, giúp giảm viêm và sưng ở các khớp và cơ, từ đó giảm đau và cảm giác khó chịu.
Bạn có thể xoa tinh dầu gừng để làm dịu cơn đau mỏi người khi bị nôn nao do say rượu, nhưng trước tiên hãy pha loãng 10 - 15 giọt tinh dầu gừng bằng dầu nền như jojoba để tránh kích ứng.
- Chóng mặt
Một nghiên cứu năm 2013 trên NCBI đánh giá về việc sử dụng tinh dầu gừng để mát-xa cho phụ nữ bị đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Kết quả cho thấy ngoài tác dụng giảm mức độ nghiêm trọng của chứng ruột rút thì mát-xa bằng tinh dầu gừng có tác dụng khác là giảm chóng mặt.
Nguyên nhân là nhờ khả năng cải thiện lưu lượng máu tới não của tinh dầu gừng, từ đó giúp giảm chóng mặt và đau đầu.
2. Tinh dầu bạc hà giúp giảm căng thẳng
Bạc hà là loại thảo mộc có sẵn ở nhiều dạng bao gồm hương liệu, trà và tinh dầu. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng tại chỗ hoặc qua máy khuếch tán tinh dầu với nhiều công dụng khác nhau, trong đó có giảm cảm giác nôn nao do rượu.
Tinh dầu bạc hà là một loại tinh dầu được chiết xuất từ lá của cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà được sử dụng rộng rãi trong việc làm đẹp, làm thơm, và như một phương pháp hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe như đau đầu, buồn nôn, và vấn đề đường hô hấp. Tinh dầu bạc hà có mùi thơm mát, sảng khoái và tính chất làm mát khi tiếp xúc với da, mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu.
- Buồn nôn
Tinh dầu bạc hà được biết đến với khả năng giúp giảm buồn nôn và cải thiện triệu chứng đau dạ dày. Các hợp chất trong bạc hà có thể kích thích hệ thống limbic (dây thần kinh và mạng lưới trong não), thúc đẩy sự thư giãn và giảm buồn nôn. Bạn có thể thử đặt vài giọt tinh dầu bạc hà vào một chiếc khăn giấy hoặc thêm vào bát nước nóng để hít hơi nước.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa nhẹ tinh dầu bạc hà đã pha loãng trên vùng da sau tai hoặc cổ tay để giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, cũng giống như tinh dầu gừng, không phải tất cả mọi người đều có phản ứng tốt với tinh dầu bạc hà và nó có thể gây kích ứng da đối với một số người. Do đó, nên kiểm tra phản ứng của da trước khi sử dụng ở diện tích lớn hơn.
- Đau đầu và đau cơ
Theo Healthline, các nghiên cứu về việc sử dụng bạc hà trong điều trị đau đầu và đau nửa đầu thường tập trung vào hoạt chất chính trong tinh dầu bạc hà là menthol (44%). Menthol đã được chứng minh là có tác dụng giúp thư giãn cơ bắp và giảm đau đầu do căng thẳng hay nôn nao hiệu quả.
Bạn có thể thoa một lượng nhỏ tinh dầu bạc hà đã pha loãng lên trán, thái dương hoặc sau gáy. Hãy chắc chắn rằng tinh dầu đã được pha loãng đúng cách để tránh kích ứng da và không để tinh dầu tiếp xúc với mắt.
- Tinh thần mệt mỏi
Một nghiên cứu năm 2018 trên NCBI đã xem xét tác dụng của viên nang chứa tinh dầu bạc hà đối với sự mệt mỏi về tinh thần. Kết quả nghiên cứu cho thấy người sử dụng viên nang có tỷ lệ mệt mỏi về tinh thần thấp hơn khi thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi tập trung cao.
3. Tinh dầu hoa oải hương giảm nhức mỏi
Hoa oải hương là một loại thảo dược có mùi thơm đặc trưng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tinh dầu hoa oải hương có thể được sử dụng với máy khuếch tán tinh dầu hoặc xoa lên cơ thể sau khi pha loãng với dầu nền.
Tinh dầu hoa oải hương là dạng chiết xuất từ hoa oải hương, được sử dụng phổ biến trong liệu pháp hương thơm (aromatherapy) và làm đẹp. Tinh dầu này có mùi hương dễ chịu, thường được dùng để thư giãn, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và giảm nhức mỏi cơ bắp.
Tác dụng của tinh dầu hoa oải hương trong giảm triệu chứng nôn nao do rượu như sau:
- Giảm nhức mỏi
Tinh dầu hoa oải hương được biết đến với khả năng giảm căng thẳng, thúc đẩy giấc ngủ và giảm nhức mỏi cơ bắp. Đều là những công dụng cần thiết khi bị nôn nao do rượu.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy mát-xa bằng tinh dầu oải hương có thể giúp giảm đau đáng kể sau một tuần sử dụng ở người bị viêm khớp gối. Nghiên cứu khác năm 2019 trên NCBI thực hiện trên chuột uống tinh dầu oải hương kiểm tra khả năng giảm đau thần kinh cho thấy tác dụng tương đối tích cực.
Bạn có thể sử dụng tinh dầu hoa oải hương bằng cách thêm vài giọt vào nước tắm hoặc có thể pha loãng tinh dầu hoa oải hương với dầu nền và massage nhẹ nhàng lên vùng cơ bắp mệt mỏi để giảm nhức mỏi.
- Đau đầu và căng thẳng
Theo Healthline, nghiên cứu đánh giá tác dụng của việc hít tinh dầu oải hương ở người bị đau nửa đầu cho thấy, trong số 129 cơn đau nửa đầu được điều tra thì 92/129 trường hợp phản ứng hoàn toàn hoặc một phần với dầu hoa oải hương và được giảm nhẹ.
Cảm giác nôn nao do say rượu còn khiến nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn và tinh dầu hoa oải hương thường được nhắc đến với tác dụng giảm căng thẳng hiệu quả.
Bạn có thể thoa tinh dầu hoa oải hương đã pha loãng lên vùng thái dương hoặc sau gáy hoặc sử dụng trong đèn xông tinh dầu để tạo không gian thư giãn, giúp giảm đau đầu.
Ngoài tinh dầu gừng, tinh dầu bạc hà và tinh dầu hoa oải hương thì một số loại tinh dầu khác như tinh dầu chanh, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu hương thảo cũng có thể đem lại một số lợi ích nhất định. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn không lạm dụng khiến tình trạng nôn nao nghiêm trọng hơn và thậm chí là ngộ độc tinh dầu hay kích ứng.
Lưu ý để sử dụng tinh dầu an toàn
Nếu bạn lựa chọn tinh dầu để giảm cảm giác nôn nao do rượu thì hãy lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Tuyệt đối không uống tinh dầu và giữ tất cả các loại tinh dầu xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi
- Khi khuếch tán tinh dầu, đảm bảo rằng phòng của bạn có hệ thống thông gió tốt. Với trẻ em và phụ nữ mang thai, một số loại tinh dầu có thể không an toàn nên cần chú ý để nhóm này không hít phải
- Nếu xoa tinh dầu lên da, hãy nhớ pha loãng tinh dầu nguyên chất với dầu nền để tránh kích ứng da, nếu bị dị ứng với tinh dầu chẳng hạn như khó thở, mẩn đỏ, sưng, mề đay,.. hãy ngừng sử dụng và thăm khám bác sĩ
- Nói chuyện với bác sĩ nếu đang mang thai, cho con bú hoặc đang sử dụng thuốc theo đơn trước khi sử dụng bất kì loại tinh dầu nào.
Ngoài tinh dầu thì để giảm cảm giác nôn nao do rượu bạn cần uống đủ nước bù lại lượng chất lỏng đã mất; ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như bánh quy giòn hay bánh mì nướng, súp nóng để tăng lượng đường trong máu và làm dịu dạ dày; nghỉ ngơi thực sự hữu ích để cảm giác nôn nao biến mất nhanh hơn,...