pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 món ăn vặt “thần thánh” ở Bến Tre
Bánh dừa Giồng Luông
Một chiếc bánh dừa Giồng Luông hoàn hảo thì sẽ mang hương vị dẻo thơm của nếp, béo ngậy của nước cốt dừa, ngọt bùi từ đậu hay ngọt ngào vị chuối. Không những thế lá dùng để gói bánh được lấy từ cây dừa nước, còn non tơ và thơm mùi lá mới, nên khi nấu xong bạn sẽ cảm nhận được một hương thơm vô cùng đặc trưng của riêng bánh dừa Giồng Luông mà không loại bánh nào có được.
Món bánh dừa Giồng Luông được gói cẩn thận bằng lá dừa non. Chúng không được bán riêng lẻ mà bán theo chùm. Khi thưởng thức, bạn cắt đứt sợi dây đang cố định trong chùm bánh. Sau đó, bạn mở phần lá ra từ từ bằng cách xoay theo chiều người làm bánh đã gói. Phần nếp bên trong bắt đầu lộ ra, bạn sẽ biết bánh nhân đậu hay chuối thông qua hình dáng của nó. Chẳng cần nước chấm, muối hay đường gì cả, bạn trực tiếp đưa miếng bánh lên miệng và cắn một phần vừa đủ ăn. Những hương vị đã được hòa quyện trong món đặc sản này sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.
Bánh lá rau mơ
Nếu ai đã từng thưởng thức qua bánh lá rau mơ xứ dừa, cũng đều cho rằng chỉ có ở tỉnh Bến Tre thì món ăn này mới đạt được độ béo ngậy và hương thơm đặc trưng vốn có của nó. Ngày xưa người thợ phải dùng nguyên liệu là lá mơ rừng để làm bánh nhưng dạo gần đây, nó ngày càng ít đi nên họ sử dụng cả lá mơ lông.
Lá mơ sau khi hái về sẽ đem rửa cho sạch, cắt nhỏ rồi xay nhuyễn lọc lấy nước. Tiếp theo, cho nước lá mơ vào trộn với bột gạo, đường và nước cốt dừa Bến Tre rồi nhào hỗn hợp đến khi không dính tay. Sau đó, người thợ sẽ chuẩn bị khuôn bánh, họ thường sẽ sử dụng lá dừa nước, mít hoặc chuối để làm khuôn. Mỗi vùng sẽ có những cách làm khác nhau nhưng nhiều người vẫn khen bánh lá rau mơ ngon nhất khi được nắn bằng lá dừa nước vì khi hấp lên sẽ tỏa ra hương thơm vô cùng đặc biệt.
Bánh lá rau mơ có màu xanh đẹp mắt, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ dai dẻo, hương vị thơm ngọt, đậm đà hòa cùng với nước cốt béo ngậy của đậu phộng và lá dứa.
Chuối đập
Chuối đập là một trong những đặc sản Bến Tre mà ai đến đây cũng phải nếm thử một lần. Chuối được chọn để làm món này phải là loại chuối Xiêm vừa chín tới, có độ dẻo vừa phải không quá cứng hay quá nhão. Sau khi gọt sạch vỏ chuối, bạn cắt đôi rồi đem nướng trên lửa than khoảng 5 phút. Chuối nướng xong được bỏ vào túi đập dẹp ra rồi lại nướng thêm lần nữa cho vàng đều cả hai mặt.
Để làm nước cốt dừa, người ta phải chọn những quả dừa già để nạo lấy phần cơm. Cơm dừa Bến Tre nạo xong sẽ mang đi vắt lấy nước cốt rồi đun trên lửa nhỏ, khuấy đều tay và cho thêm chút muối, đường, hành lá để tạo hương vị mặn ngọt đặc trưng. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm chút bột năng để tạo độ sánh quyện cho món chuối đập Bến Tre.
Thưởng thức món chuối đập Bến Tre, bạn sẽ cảm nhận được sự tài tình của người dân miền Tây trong việc kết hợp hài hòa những nguyên liệu dân dã, thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Đó là vị béo ngậy của nước cốt dừa thêm chút mặn ngọt thơm tho từ muối, đường và hành lá. Chờ sau khi vị béo tan dần, bạn lại cảm nhận được chút ngọt lịm pha vị chát nhẹ của chuối Xiêm vừa chín tới… Tất cả hương vị hòa quyện vào nhau ngon đến mức khiến người ta không thể nào dừng lại được.