3 năm, sản phụ 26 tuổi sinh mổ 3 lần liên tiếp

THẢO NGUYÊN
17/12/2022 - 15:19
3 năm, sản phụ 26 tuổi sinh mổ 3 lần liên tiếp
Theo đoạn clip, sản phụ mới sinh này liên tục đưa tay giữ bụng. Ngay cả việc di chuyển khỏi giường cũng khiến sản phụ gặp khó khăn với vết mổ đẻ.

Mới đây, mạng xã hội đã rần rần chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ ở Phúc Kiến (Trung Quốc) tập đi sau lần sinh mổ thứ 3. Đính kèm với đó là dòng chữ gây chú ý: "Sản phụ 26 tuổi sinh mổ 3 lần liên tiếp trong 3 năm".

Theo đoạn clip, sản phụ mới sinh này liên tục đưa tay giữ bụng. Ngay cả việc di chuyển khỏi giường cũng khiến cô gặp khó khăn vì bị đau vết mổ đẻ.  

Ngay cả việc di chuyển khỏi giường cũng khiến sản phụ gặp khó khăn.

Đặc biệt, sản phụ luôn có chồng bên cạnh. Anh ở bên cẩn thận đỡ vợ xuống giường và dìu từng bước một. Những hành động chăm sóc vợ tận tình của người chồng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Tuy nhiên ngay sau khi đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, nhiều mẹ bỉm sữa lại tranh cãi về một chủ đề nóng khác. Nhiều mẹ cho rằng, chị em không nên đẻ mổ "liền tù tì" như thế này. Bởi điều này không tốt cho cơ thể và sức khỏe của chính bản thân.

Người chồng luôn ở bên vợ từng tí, cẩn thận đỡ xuống giường và dìu từng bước một.

Nguyên nhân là vì sau mỗi lần sinh mổ, tử cung sẽ yếu đi và cần thời gian lành lại. Bộ phận này một khi "quá tải" sẽ dễ dẫn tới những biến chứng y khoa. Các chuyên gia thậm chí đã đưa ra khuyến cáo rằng lần sinh mổ thứ 2 phải cách lần đầu từ 3 cho tới 5 năm.

Hiện câu chuyện về người phụ nữ 26 tuổi sinh mổ 3 lần liên tiếp trong 3 năm vẫn thu hút sự chú ý của nhiều mẹ bỉm sữa.

Những nguy hiểm khi đẻ mổ nhiều lần

Càng về những lần mổ lấy thai sau, những rủi ro mà mẹ gặp phải càng cao. Khi mổ lấy thai nhiều lần, mẹ sẽ phải gặp phải những nguy hiểm sau:

- Nứt, vỡ tử cung: Đây là rủi ro nguy hiểm nhất trong lần đẻ mổ thứ 3. Bởi ở 2 lần sinh trước, trên cổ tử cung của mẹ đã có một vết sẹo mổ lấy thai. Đây là nơi mà các cơ tử cung trở lên yếu nhất nên khi tử cung co thắt, vết sẹo mổ lấy thai có nguy cơ bị bục và nứt ra, dẫn đến tình trạng vỡ tử cung, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Nguy cơ vết sẹo mổ lấy thai bị bục càng cao khi khoảng cách thời gian mang thai giữa lần sinh mổ thứ 2 và lần thứ 3 càng ngắn (dưới 18 tháng).

- Dính ruột: Những bà mẹ càng mổ lấy thai nhiều lần thì khả năng ruột dính vào thành bụng, bàng quang càng cao.

- Bất thường về nhau thai: Vết sẹo mổ lấy thai trên tử cung làm tăng khả năng mẹ gặp phải các bất thường về nhau thai như: nhau bong non, nhau tiền đạo... Điều này đòi hỏi các bác sĩ trực tiếp thực hiện quá trình mổ lấy thai cần xử trí các bất thường này một cách khéo léo, đặc biệt là nhau cài răng lược - một biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh tử cung (bàng quang, ruột,...), dễ dẫn đến biến chứng băng huyết sau sinh, cắt bỏ tử cung.

- Nhiễm trùng: Không chỉ có vậy, mẹ còn có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ lấy thai ở tử cung, trên thành bụng, thậm chí là gần bàng quang nên thời gian nằm viện, điều trị kéo dài.

- Khả năng hồi phục chậm: Do đã sinh mổ 2 lần sinh trước nên trong lần 3 này, cơ thể mẹ yếu hơn nhiều, khả năng hồi phục chậm và khả năng chịu đựng nhiều đau đớn cũng kém đi. Không những thế, trong quá trình mang thai và chuyển dạ mẹ phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau cũng sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất sữa của cơ thể.

Những lưu ý khi sinh mổ nhiều lần

- Khoảng cách giữa 2 lần mổ lấy thai liên tiếp nên từ 3-5 năm: Khoảng thời gian này đủ dài để vết sẹo mổ lấy thai được liền. Hạn chế nguy cơ nứt, bục vết mổ khi bụng bầu to hơn và giảm bất thường về nhau thai.

- Chọn thời gian chỉ định mổ lấy thai sớm (khoảng từ 37 đến 38,5 tuần): Mổ lấy thai lần 3 không nên chờ vỡ ối, đồng thời không nên đợi đến cận ngày dự sinh. Tốt nhất khi thai nhi được 37 – 38,5 tuần, mẹ nên nhờ bác sĩ can thiệp chỉ định mổ lấy thai sớm. Như vậy sẽ giảm nguy cơ gặp những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

- Thăm khám thai định kỳ cẩn thận: Mổ lấy thai lần 3 dễ gặp biến chứng về nhau thai nên bà mẹ cần thăm khám thai định kỳ thường xuyên, cẩn thận hơn để phát hiện sớm và xử trí kịp thời những bất thường.

- Thời gian nghỉ sau sinh lâu hơn: Mổ lấy thai lần thứ 3 khiến bà mẹ tổn hao nhiều sức lực hơn 2 lần sinh trước. Vì vậy, mẹ cần thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm