pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 "nàng tiên cá" cứu một thợ lặn khỏi chết đuối ở California
Khi kết thúc chuyến lặn biển ngoài khơi đảo Catalina ở California vào tháng 10 năm 2022, Pablo Avila đã bất tỉnh và bắt đầu sùi bọt mép. Dường như anh ta đang chết đuối và nếu không có ba "nàng tiên cá" đến cứu, có lẽ anh ta đã không thể sống sót để quay trở về.
Đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Avila thực sự đã được giải cứu bởi các "nàng tiên cá": Nghệ sĩ biểu diễn hóa thân thành nàng tiên cá chuyên nghiệp tên là Elle Jimenez và hai học trò của cô, Elaina Marie Garcia và Great Chin Burger.
Theo Fox News đưa tin, Jimenez, 33 tuổi, đã có 6 năm kinh nghiệm biểu diễn hóa thân thành nàng tiên cá và hiện đang dạy các khóa học nâng cao về việc hóa thân thành nàng tiên cá với chứng chỉ của Hiệp hội Huấn luyện viên Lặn chuyên nghiệp (PADI).
"Đây là lần đầu tiên tôi dạy khóa học ở California", Jimenez nói. Đó là ngày thứ hai của khóa học, và Jimenez đang dạy học sinh của mình ở vùng nước ngoài khơi bờ biển Casino Point thì cô nghe thấy ai đó hét lên: "Cứu! Anh ấy đang ngất đi!".
Tại thời điểm này, Jimenez nói: "Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều tự động bơi đến chỗ phát ra tiếng kêu cứu và chế độ cứu hộ của chúng tôi đã được bật". Jimenez, Garcia và Burger bắt đầu hành động với tư cách là ba nàng tiên cá duy nhất trong nhóm có chứng chỉ về giải cứu trong môi trường nước.
Garcia, một lính cứu hỏa từ Avalon, California, có chứng chỉ PADI về môn lặn biển. Burger, đến từ Guam, cũng có chứng nhận PADI về an toàn khi lặn tự do.
Julie Andersen, giám đốc toàn cầu của PADI Worldwide cũng có mặt vào thời điểm xảy ra sự việc và theo dõi bộ ba nàng tiên cá hỗ trợ Avila.
Andersen nói: "Chúng tôi đã giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo không làm phức tạp thêm tình hình".
"Elaina gặp Pablo trước", Jimenez nói, "và ngay sau đó là Great Chin và tôi".
Garcia nói: "Tôi đã thổi ngạt cho anh ấy dưới nước. Quá trình huấn luyện đã giúp cho tôi có trí nhớ cơ bắp cần thiết để tháo thiết bị lặn của anh ấy ra một cách nhanh chóng và hiệu quả. Great Chin đã giúp tôi loại bỏ những thiết bị cồng kềnh này, đồng thời thổi ngạt sau mỗi năm giây".
Khi thiết bị lặn của anh ấy đã được gỡ bỏ, các nàng tiên cá đã đưa Avila vào bờ.
Jimenez nói với Metro: "Có một quan niệm sai lầm về nàng tiên cá, mọi người chỉ nghĩ đơn thuần rằng chúng tôi là những người biết bơi. Tôi không nghĩ mọi người nhận ra chúng tôi đã được đào tạo các kỹ năng cứu người trong những trường hợp cần thiết".
Jimenez nghi ngờ rằng Avila đã bị thuyên tắc khí, trong đó không khí thoát ra khỏi phổi và đi vào mạch máu.
Jimenez nói: "Cảm giác thực sự rất căng thẳng trước khi anh ấy bắt đầu thở trở lại. Phải mất vài giờ trước khi anh ấy tỉnh dậy và biết được rằng anh ấy vẫn ổn thật là một sự nhẹ nhõm".
Sau khi được giải cứu, Avila được đưa vào buồng giảm áp và từ đó đã bình phục.
"Tôi chưa bao giờ phải thực hiện một cuộc giải cứu thực sự trước đây, thay vào đó tôi chỉ thực hiện những điều này trong các cuộc diễn tập thực hành, vì vậy đối với tôi, sự cố này đã củng cố rằng việc đào tạo của chúng tôi là rất quan trọng", Jimenez nói.
"Thật kỳ lạ khi giải cứu được Pablo như thế này. Tôi cảm thấy có rất nhiều cảm xúc khác nhau", Garcia nói với Fox News. "Tôi tự hào về cách chúng tôi xử lý cuộc giải cứu. Đó hoàn toàn là một nỗ lực của nhóm. Tôi cũng cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì Pablo đã sống sót, vì tôi tin rằng rất hiếm khi có thể hồi phục sau khi cần hô hấp nhân tạo toàn bộ để thở".
Trên thực tế, công việc hóa thân thành người cá không nhận được nhiều sự tôn trọng của mọi người, và nhiều người bị sốc khi các nàng tiên cá giải thích rằng họ làm công việc này để kiếm sống. Họ giải thích, từ bên ngoài, nhiều người có xu hướng nghĩ rằng công việc của của chúng tôi chỉ đơn thuần là sở thích.
"Tôi hy vọng vụ việc này sẽ giúp cộng đồng những người hóa thân thành người cá nhận được sự tôn trọng xứng đáng cũng như cho những người khác thấy rằng đây là một môn thể thao nghiêm túc", Burger nói. "Đó không chỉ là những cái đuôi xinh xắn và nụ cười, mà chúng ta còn có thể cứu mạng người…".
"Đội giải cứu nàng tiên cá PADI nhắc nhở tôi rằng 'nàng tiên cá' không chỉ có thật", Andersen nói, "mà họ còn là những siêu anh hùng mà hành tinh xanh của chúng ta cần".
Hiệp hội Huấn luyện viên Lặn chuyên nghiệp (PADI) là hiệp hội thành viên lặn giải trí và đào tạo thợ lặn lớn nhất thế giới do John Cronin và Ralph Erickson thành lập năm 1966. PADI tổ chức nhiều khoá đào tạo từ "Lặn biển" đến "Lặn khơi" và "Bậc thầy Lặn biển" cũng như nhiều loại chứng chỉ hướng dẫn viên lặn. Với thương hiệu PADI TecRec, PADI còn cung cấp các khoá huấn luyện về lặn kĩ thuật. Tương tự, công ty chị em của PADI là Emergency First Response Corp cung ứng nhiều chương trình huấn luyện sơ cứu và hồi sức tim-phổi (CPR) cho người không chuyên ở các nước như Anh, Canada và Úc.