Không dành nhiều thời gian cho trẻ: Hãy nghĩ theo hướng này: Ngoài những kiến thức học từ trường lớp, bé còn cần được học cách trở thành người biết cám ơn, biết xin lỗi, cũng như được chuẩn bị bản lĩnh để đối mặt với những khó khăn gặp phải trong cuộc đời. Với con bạn, điều này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn thay đổi tâm lý và môi trường (ví dụ từ mẫu giáo lên tiểu học) vì nó giúp hình thành và xây dựng nền tảng vững chắc cho nhân cách về sau.
Không có kỷ luật: Nhiều bậc phụ huynh không biết làm sao để để xây dựng nguyên tắc với con, sự dễ dãi thể hiện ở chỗ họ chọn cách “chẳng làm gì cả”. Cách nuôi dạy con như thế có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Trẻ cần được dạy về ranh giới giữa cái “được” và “không được”, cũng như cách ứng xử, giao tiếp với người khác. Nếu chúng không được học về hậu quả từ việc làm của mình, ý thức về ranh giới giữa cái tốt và cái xấu có thể bị xóa mờ, thậm chí không tồn tại.
Không dạy trẻ tự lập: Rất nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng lao tới giúp đỡ con khi chúng gặp khó khăn chứ không để cho chúng tìm ra cách vượt qua những khó khăn đó một mình... Điều đó vô tình dẫn đến việc trẻ thiếu hụt kĩ năng sống, không biết cách tự phục vụ bản thân.
Bên cạnh đó, việc giáo dục kĩ năng sống cũng chưa được quan tâm. Trẻ không có thói quen làm việc độc lập, khả năng độc lập giải quyết vấn đề kém, đương nhiên cũng không thể nào có khả năng sáng tạo... Những đứa trẻ được “bao bọc” theo cách ấy sẽ dần mất đi khả năng trưởng thành.