pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 triệu chứng nghiêm trọng cảnh báo ung thư phổi
Ảnh: Shutterstock
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới, chiếm 11,4% tổng số các ca mắc mới ung thư. Đây cũng là căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư với khoảng 1,8 triệu ca tử vong trong năm. Cùng năm đó, tại Việt Nam, có hơn 26.000 người được chẩn đoán mắc mới và gần 24.000 người tử vong do ung thư phổi.
Theo thông tin từ tờ Express của Vương Quốc Anh, hút thuốc lá là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới ung thư phổi, chiếm khoảng 70% các ca bệnh. Những người không hút thuốc cũng có thể mắc căn bệnh này. Chính vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Brian O’Connor - chuyên gia hô hấp tại Bệnh viện Cromwell (Vương Quốc Anh) - đã chỉ ra một số triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư phổi: "Có 2 loại ung thư phổi là nguyên phát và thứ phát. Ung thư phổi nguyên phát bắt nguồn từ phổi và được chia thành nhiều dạng khác nhau, nhưng dạng phổ biến nhất là ung thư phổi tế bào không nhỏ. Ung thư phổi thứ phát là ung thư di căn từ các bộ phận khác trong cơ thể sang phổi."
Dấu hiệu của ung thư phổi
Vị chuyên gia hô hấp cho biết: "Nhiều người mắc ung thư phổi mà không có bất kỳ triệu chứng nào vào giai đoạn đầu, hoặc các triệu chứng rất nhẹ, chỉ thoáng qua, ví dụ như ho hoặc cảm thấy hơi khó thở. Một số triệu chứng khác có thể gặp bao gồm thường cảm thấy mệt mỏi, đau tức ngực, giảm cân không rõ nguyên nhân và chán ăn".
Bác sĩ O’Connor cảnh báo 3 triệu chứng, nếu thấy cần đi khám ngay lập tức: "Nếu bạn bị ho ra máu, ho kéo dài hoặc thở hụt hơi, cần tới gặp bác sĩ sớm nhất có thể, đặc biệt nếu bạn hơn 40 tuổi".
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, các triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:
- Ho kéo dài trong vòng từ 3 tuần trở lên với tình trạng ngày càng nặng hơn
- Viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
- Ho ra máu
- Đau tức ngực khi ho hoặc thở
- Thở hụt hơi kéo dài
- Mệt mỏi kéo dài
- Chán ăn hoặc giảm cân không chủ đích
- Đầu ngón tay/chân có sự thay đổi (ngón tay/ chân dùi trống)
- Nuốt khó hoặc đau
- Thở khò khè
- Khàn giọng
- Sưng mặt hoặc cổ
- Đau ngực hoặc vai kéo dài
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Theo bác sĩ O’Connor: "Hút thuốc là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới ung thư phổi nhưng bạn cũng có thể mắc ung thư phổi dù không hề có thói quen này.
Nguy cơ ung thư phổi phụ thuộc vào số lượng thuốc lá mà bạn hút hàng ngày, khoảng thời gian bạn đã duy trì thói quen này và thời điểm mà bạn bắt đầu hút thuốc. Loại thuốc lá mà bạn hút cũng có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư phổi.
Bạn cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nếu bạn sống cùng với những người hút thuốc lá. Ung thư phổi thường phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn."
Điều trị ung thư phổi
Bác sĩ O’Connor cho biết thêm: "Điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào giai đoạn khi phát hiện bệnh, thể bệnh, mức độ di căn và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Đối với tất cả các bệnh ung thư, việc phát hiện sớm sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn tới việc điều trị và hồi phục sau đó".
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi các tế bào ung thư vẫn chưa phát triển rộng, phẫu thuật là cách điều trị để loại bỏ các khối u ra khỏi phổi.
Trong trường hợp khối u quá lớn, các bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị để khối u nhỏ lại, sau đó sẽ phẫu thuật. Hóa trị được dùng sau khi phẫu thuật để diệt tế bào ung thư khi đã có di căn xa.