3 trường hợp cần tầm soát ung thư phổi

06/09/2016 - 15:00
NSƯT Hán Văn Tình vừa tử vong do ung thư phổi. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng bởi số người mắc ung thư phổi đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư ở nam giới và hàng thứ 4 ở nữ giới.
Theo TS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô Hấp, BV Đại học Y Dược TP.HCM, yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư phổi vẫn là do hút thuốc lá. Theo đó, tỷ lệ người bị ung thư phổi có hút thuốc gấp 10-20 lần so với người bình thường. Ngoài ra, những trường hợp hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) cũng có nguy cơ không kém, thậm chí còn cao hơn những người hút trực tiếp. "Ung thư phổi dù được xác định ở giai đoạn sớm, tỷ lệ tử vong vẫn khoảng 60%. Nếu phát hiện ở giai đoạn 3-4, thời gian sống thêm của bệnh nhân không kéo dài", TS Dũng nói.
negative_social_effect_of_smoking.jpg
 Hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Ảnh: Wikispaces
Cũng theo TS Dũng, ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ như ho dai dẳng, người mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân. Chỉ đến giai đoạn muộn, triệu chứng mới rõ ràng như: Ho dài dẳng và liên tục, đau ở lưng, ngực và vai, khó thở, ho ra máu... Vì vậy, việc phòng tránh ung thư phổi thông qua tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng. Theo TS Dũng, những trường hợp dưới đây cần tiến hành tầm soát ung thư phổi định kỳ mỗi 6 hoặc 12 tháng:

- Nam hoặc nữ trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá nhiều hoặc hút thuốc lá thụ động. 
- Những người sống hoặc thường xuyên làm việc trong điều kiện môi trường có tiếp xúc với hóa chất sinh khối hoặc hóa chất gây ung như thủy ngân.
- Những người có cha hoặc mẹ từng bị ung thư phổi, dễ tăng nguy cơ bị ung thư này khoảng 4 lần so với người bình thương. 

Khi tiến hành tầm soát ung thư phổi, những đối tượng nguy cơ trên sẽ được bác sĩ khai thác về bệnh cảnh lâm sàng, chụp X-quang phổi. Nếu có bất cứ nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được xác định chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh và di căn, chụp CT, dùng kỹ thuật nội soi phế quản, sinh thiết khối u và xét nghiệm tế bào học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm