3 ứng xử làm thui chột nỗ lực cố gắng của người khuyết tật

24/05/2018 - 17:17
3 trong số rất nhiều ứng xử của mọi người, kể cả người thân, có thể làm thui chột nỗ lực cố gắng của người khuyết tật .
giang4.jpg
Giang đã thực hiện được ước mơ khoác tấm áo màu xanh của sinh viên tình nguyện để giúp đỡ mọi người

Bệnh thoái hoá võng mạc đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng đôi mắt của Lê Hương Giang (MC chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" trên VTV4) năm cô học lớp 6. Cùng với từng thích nghi và trải nghiệm cuộc sống dần dần chìm vào bóng tối, Giang lớn lên, vững vàng, tự tin, yêu đời, cảm nhận niềm hạnh phúc có mẹ cha, bạn bè, người thân... Những chia sẻ của Giang về 3 trong nhiều ứng xử của mọi người, kể cả người thân có thể làm thui chột nỗ lực cố gắng của người khuyết tật đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Người khuyết tật được sinh ra gánh hạn cho người thân

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, đứa con khuyết tật của mình là đứa trẻ không may mắn, được sinh ra trên đời để gánh hạn cho gia đình nên càng yêu thương, chăm sóc kỹ càng hơn. Họ có thể làm thay hoặc thuê người giúp việc ở bên con suốt ngày để làm mọi việc thay con mình, kể cả những việc vệ sinh cá nhân riêng tư. Chính vì vậy, có nhiều bạn đi học mà không biết xúc cơm. Các bạn ấy cứ thụ động chờ đợi người khác làm hộ. Và trong ý nghĩ của nhiều bạn, việc mọi người làm, chăm sóc cho các bạn ấy là trách nhiệm chứ không thấy mình cũng cần nỗ lực cố gắng. Thậm chí, có bố mẹ còn nghĩ đứa con khuyết tật của mình như một món nợ của kiếp trước. Họ không thích con của mình, chăm sóc con như một điều bắt buộc phải làm, không thấy cần cung cấp cho con các kỹ năng cần thiết để tồn tại độc lập, chủ động.

giang1.jpg
Bố mẹ đồng hành, ủng hộ, tin tưởng Giang trong mọi việc - chính là đã đặt những viên gạch tương lai bền chắc cho cô

Nhiều bố mẹ thương con bằng cách nghĩ và lo thay cho cả tương lai lâu dài của con. Như hồi đầu tiên, khi bố mẹ nỗ lực tìm mọi cách cứu đôi mắt cho Giang mà không được, nhiều người thân động viên bố mẹ cố gắng tiết kiệm để một khoản cho Giang sau này. Bố mẹ Giang đã làm vậy cho đến khi nhận ra việc bố mẹ đồng hành, ủng hộ, tin tưởng Giang trong mọi việc mới đặt những viên gạch tương lai bền chắc cho con gái.

Không tin người khuyết tật có thể làm được

Ngày Giang còn bé, nhiều người đến chơi nhà thấy cô động vào cái gì cũng la lên, không cho đụng vào, sợ hỏng, sợ đổ, sợ vỡ. Nếu bố mẹ cũng nghĩ như vậy thì có lẽ đến giờ Giang vẫn chưa có thể chủ động trong cuộc sống, công việc của mình.

Khi đi học, có thầy cô giáo của cô tự chấm một điểm số nào đó cho học sinh khiếm thị môn học của mình mà không chú ý quan tâm học sinh khiếm thị tiếp thu môn học thế nào, lực học thực chất của họ như thế nào.

Có người mẹ trẻ gặp Giang lần đầu, cám ơn Giang đã cho cô ấy tin vào tương lai của con mình. Con cô ấy bị sẹo giác mạc, lúc đó cháu mới 7 tháng tuổi. Cô ấy vô cùng đau khổ, mãi cũng không thể chấp nhận hiện thực. Khi theo dõi facebook của Giang, cô ấy nhận ra có nhiều cách có thể giúp cuộc sống của con cô ấy trở nên dễ dàng hơn.

Bản thân người khuyết tật cũng kỳ thị người khuyết tật rất nhiều. Nghe Giang nói, các bạn khiếm thị nghĩ giọng cô là của người mắt sáng. Khi biết Giang cũng khiếm thị thì các bạn phản ứng khác, không hợp tác.

Bi thương hoá, anh hùng hoá người khuyết tật

Cuộc sống người khuyết tật trẻ bây giờ khá vui vẻ, tích cực, không có gì buồn tẻ hay đau buồn như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều khi Giang ngạc nhiên, có những người bạn ngoài đời rất vui mà các phương tiện truyền thông lại đưa về họ rất đau buồn, thảm thương.

ó là cách lan toả không đẹp, khiến mọi người nghĩ người khuyết tật chỉ cần hỗ trợ về kinh tế, người khuyết tật rất nghèo, rất dốt. Còn chính người khuyết tật xem thì thấy cuộc sống của mình buồn quá. Cho nên rất cần đưa một hình ảnh chân thực về người khuyết tật. Họ có những niềm vui, nỗi buồn, có sự thành công, thất bại một cách trọn vẹn đến mọi người, ít nhất để mọi người nhận thấy cuộc sống người khuyết tật lạc quan, vui vẻ, nhiều cảm xúc.

giang3.jpg
Cô MC khiếm thị được mọi người yêu thương

Khen nhiều, làm được việc nhỏ mà tung hô cũng là một cách kỳ thị, làm người khuyết tật ảo tưởng. Như Giang, cô không muốn xuất hiện trên sóng để mọi người nghĩ mình là người khuyết tật và thương. Cô đã học trang điểm, lựa chọn trang phục, học nghiệp vụ nghiêm túc, luôn tìm cách thể hiện bản thân, tìm hiểu kỹ từng nội dung thực hiện… để có thể làm tốt nhất và ngày càng hoàn thiện công việc của mình. Cô muốn được mọi người yêu thương MC này vì cô ấy thú vị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm