3.000 người sẽ dự Đại lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân

17/10/2019 - 23:00
Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch sẽ được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trong 3 ngày, từ 25 đến 27/10.

Ngày 17/10, Phân ban Ni giới TƯ phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã họp báo giới thiệu Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch (1041-1113).

 

BTC Đại lễ trả lời câu hỏi của báo chí 
 

Đại lễ tưởng niệm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Chương trình sẽ gồm nhiều nội dung như Lễ dâng hương tại chùa Hương Hải vào ngày 25/10 ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nơi Ni sư Diệu Nhân tu hành, viên tịch); Hội thảo khoa học tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam và thắp nến tri ân tại Quảng trường Viên Quang vào ngày 26/10; Đại lễ tưởng niệm vào ngày 27/10 tại Hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội…

Theo BTC, Đại lễ và hội thảo là sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được tổ chức thành kính, trang nghiêm, long trọng, an toàn và tiết kiệm. Dự kiến có hơn 3.000 người tham gia Đại lễ.

 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết 
 

Ni sư Diệu Nhân thế danh là Lý Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, cháu nội vua Lý Thái Tông (1000 - 1054) và là con nuôi vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072).

Ni sư xuất gia tu Phật, làm đệ tử của Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) nối pháp từ đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi; là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội, công đức sánh ngang với hàng Tăng chúng, xứng danh là vị Tổ Sư Ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam - Phật sử Trung Ni.

Ni sư Diệu Nhân cũng chính là tác giả của bài thi kệ về sinh - lão - bệnh - tử nổi tiếng. Bài thi kệ khẳng định quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử, cho thấy muốn đi ngược lại quy luật này là một sự sai trái. Từ đó đả phá những con đường làm cho người ta mê muội nhằm thức tỉnh mọi người quay đầu lại với chính mình, sống tự nhiên hòa nhịp cùng quy luật để đạt được sự tự tại trong tâm hồn.

 

Các vị ni sư tham gia buổi họp báo 
 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: "Việc một vị sư được nối dõi dòng thiền đã là vô cùng quý, và ở Việt Nam chỉ duy nhất Ni sư Diệu Nhân là nữ giới được trao truyền Tâm ấn, nối dõi dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây là một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt những giá trị phi vật thể mà Ni sư Diệu Nhân để lại mang ý nghĩa rất lớn về tư tưởng Phật học, về triết lý nhân sinh".

BTC cũng cho biết thêm, đến nay đã nhân được 110 bài tham luận gửi tới Hội thảo từ các học giả, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước với những nghiên cứu sâu về cuộc đời, đức độ và quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các phật tử. Các bài tham luận cũng khẳng định những đóng góp to lớn của nữ phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm