Chiều ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo việc chuẩn bị để sẵn sàng thu nhập thông tin Tổng điều tra bắt đầu từ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.
Cuộc họp trực tuyến này kết nối tới 775 điểm cầu, nối tới tất cả các cấp huyện trên toàn quốc với 36.000 đại biểu tham dự. Trước đó, các bộ, ngành và địa phương đã có hơn 1 năm để chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan với tổng kinh phí là 1.100 tỷ đồng.
Đây sẽ là lần thứ 5 nước ta tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở, với 5 mục đích chính: Thu thập thông cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2020, đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phục vụ cho công tác giám sát thực hiện nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ đã cam kết và cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức cuộc họp nhằm rà soát lại mục tiêu, ý nghĩa và đặc biệt là công tác chuẩn bị để cả nước tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở vào đầu tháng sau.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tập trung truyền thông, vận động toàn thể nhân dân tham gia Tổng điều tra, bảo đảm an toàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ việc tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ công nghệ thông tin cho điều tra viên khi đây là lần đầu tiên cuộc Tổng điều tra ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ từ thu thập phiếu, lưu trữ, đánh giá số liệu và xây dựng báo cáo tổng thể.
“Các bộ, địa phương không chủ quan, tiếp tục rà soát lại hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống máy chủ, đường truyền để chuẩn bị cho điều tra, khắc phục các rủi ro của công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Không chỉ vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo còn cho rằng: “Kết quả của Tổng điều tra không đơn thuần là số liệu thống kê, không chỉ phản ánh được số lượng chính xác, khách quan mà phải đánh giá được cả chất lượng dân cư, thực trạng ở nhà hiện nay của cả nước để phục vụ cho các mục tiêu của Tổng điều tra”. Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, địa phương quan tâm tới công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ để thu thập thông tin giữa các địa bàn có đặc điểm phân bổ dân cư khác với trước đây, bảo đảm số liệu xác thực.
Kết luận cuộc họp, đồng tình với báo cáo và góp ý của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định toàn hệ thống cán bộ điều tra đã sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ từ ngày 1/4/2019.
Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, quy mô của Tổng điều tra, phát huy các sáng kiến trong truyền thông, nhất là tới các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phục vụ cho việc hoạch định chính sách của cả cấp Trung ương tới tận cấp xã, phường, thị trấn.
“Không có thông tin thì không ra được quyết định, mà thông tin không chính xác thì quyết định sai”, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh và nêu ra ví dụ về số liệu điều tra hộ nghèo của lần Tổng điều tra trước đã “vênh” so với thực tế, ảnh hưởng tới phân bổ nguồn lực của Chính phủ trong công tác giảm nghèo.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ phương châm thực hiện là: “Nhanh gọn, an toàn tuyệt đối (trong thu thập, lưu trữ số liệu-PV), chính xác và hiệu quả”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê bảo đảm đường truyền ổn định để thu thập, lưu trữ số liệu kịp thời. Ngoài ra tiếp tục thiết kế hệ thống dữ liệu đồng bộ, hoàn chỉnh để cập nhật thông tin hàng năm để có thể 10 năm tới sẽ không phải thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vào sáng 1/4/2019.
Cuộc tổng điều tra 2019 sẽ tập trung đánh giá và điều tra thống kê ở 10 nội dung chính: - Thông tin chung về dân số - Tình trạng di cư - Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật - Tình trạng khuyết tật - Tình trạng hôn nhân - Mức độ sinh chết và phát triển dân số - Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em - Tình hình lao động việc làm - Thực trạng nhà ở - Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư |