pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 bí quyết đồng hành cùng con tuổi dậy thì
Đồng hành cùng con trai tuổi dậy thì
Đôi khi, con sẽ biểu hiện như chúng cần không gian riêng tư nhiều hơn, ngày càng rời xa bố mẹ hơn, nhưng thực tế là con đang cần sự quan tâm và định hướng của bố mẹ hơn bao giờ hết. So với những năm đầu đời, bố mẹ càng cần phải dành cho con nhiều thời gian, nhưng bằng những cách khéo léo hơn, không làm con cảm thấy bị kèm cặp quá mức.
Phần lớn trẻ trong giai đoạn này ít chia sẻ với bố mẹ là vì mâu thuẫn nội tâm rằng: mình đã lớn và muốn thể hiện bản thân, còn với phụ huynh thì vẫn trong tâm thế con mình còn nhỏ, còn cần mình hướng dẫn.
Đây chính là rào cản lớn trong chính tâm lý của phụ huynh, cho nên trong cuộc trò chuyện thay vì lắng nghe và tôn trọng con thì phụ huynh có xu hướng "chỉnh lưng", khuyên quá nhiều làm con cảm giác đang bị phán xét và không an toàn. Nhu cầu mong muốn thể hiện của các bạn bị dập tắt, do đó rất khó để con mở lòng với bố mẹ.
- Tôn trọng quan điểm, ý kiến của con
Để làm bạn với con tuổi dậy thì, trước nhất bố mẹ cần nhớ nguyên tắc tôn trọng con. Sự khác biệt về thế hệ, môi trường sẽ khiến cho bố mẹ và con cái có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Tuy nhiên, phản ứng của bố mẹ với các quan điểm này cần phải tôn trọng. Việc gạt bỏ hay khẳng định quan điểm của con sai lệch là điều không nên làm. Hành động này sẽ khiến cuộc nói chuyện trở nên gay gắt hơn. Bố mẹ và con cái không thấu hiểu được nhau, không tìm được tiếng nói chung. Về lâu dài sẽ khiến tình cảm gia đình xa cách.
- Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con
Thế hệ trẻ ngày càng có những xu hướng phát triển khác biệt với thế hệ của cha mẹ. Áp đặt các tiêu chuẩn cũ không phù hợp sẽ chỉ khiến con chán ghét, phản ứng tiêu cực lại. Để nuôi dạy con thông minh, cha mẹ nên dành chút thời gian quan tâm hơn đến sự đổi mới của thời đại để thuận tiện cho việc dạy con tuổi dậy thì.
- Dạy con tuổi dậy thì là cho con biết những thay đổi của cơ thể
Ở lứa tuổi dậy, cơ thể của trẻ bắt đầu có những thay đổi. Chính vì vậy, ba mẹ cần chỉ cho con biết cơ thể sẽ có những thay đổi gì, tránh để bé rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo sợ, bối rối không biết xử lý như thế nào. Bố mẹ nên thẳng thắn, thoải mái trò chuyện cùng con để giúp con tránh hoang mang và chệch hướng trong giai đoạn này.
- Cùng con tham gia nhiều hoạt động xã hội, vui chơi
Tùy vào độ tuổi mà phụ huynh có thể tạo điều kiện cho con thói quen giao tiếp, hòa nhập với môi trường xung quanh, tham gia các buổi sinh hoạt chung trong cộng đồng. Cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng sống bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội để con tự giải quyết và xử lý các vấn đề cũng như mạnh dạn gặp gỡ mọi người.
Khi tham gia các hoạt động cộng đồng, trẻ sẽ có được những cảm giác tích cực. Điều này giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, lạc quan. Từ đó, trẻ không còn cảm thấy buồn rầu, chán nản, từng bước đưa trẻ thoát khỏi khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Từ đó, bé dần thích nghi với những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.