4 cách để không bối rối khi hội thoại

03/08/2016 - 14:27
Khi bạn gặp gỡ những người không mấy thân quen hoặc người đặc biệt quan trọng, sự im lặng sẽ khiến hai bên trở nên mất tự nhiên và có chút lúng túng.
bat-chuyen-1.jpg

Quan sát

Một trong những kỹ năng tốt nhất giúp phá vỡ bầu không khí trầm lặng với người khác dó là bạn quan sát trước khi nói chuyện. Quan sát không có nghĩa là nhìn chằm chằm hay có ý soi xét đối phương, mà là cách khéo léo nhận ra những gì đặc biệt người kia có, như mắt kính thời trang họ đang đeo hoặc điện thoại đời mới hay kiểu tóc đầy ấn tượng của họ.

Từ việc quan sát bạn có thể đặt ra những câu hỏi để gạt bỏ khoảng cách cũng như sự im lặng đầy lúng túng giữa hai người. Chẳng hạn hỏi một câu đơn giản như “Kính này đẹp quá, bạn mua nó ở đâu thế?”, “Điện thoại của bạn thuộc dòng nào vậy? Tôi đang định đổi máy mới”...

Nguyên tắc bắt chuyện

Có một nguyên tắc nhỏ bạn nên nhớ khi bắt chuyện với người khác, đó là 2/3 câu chuyện hỏi hoặc nói về đối phương, 1/3 nói về bản thân mình. Lý do đơn giản là không để cuộc hội thoại giữa hai người đang từ phá vỡ sự im lặng chuyển thành tự “khoe khoang” bản thân mình.

Tiến sĩ Jeremy Nicholson - một tác giả tại Psychology Today cho biết, hầu hết mọi người đều mắc phải sai lầm khi cố gắng gây ấn tượng về mình quá nhiều, kết thúc cuộc trò chuyện họ sẽ tự đưa ra những đánh giá về bản thân thay vì đưa ra nhận xét hay cho người đối diện. Với “nguyên tắc 2/3”, bạn có thể hỏi người kia những gì khiến họ có cơ hội được bộc lộ bản thân trong khi nói chuyện.

Khen ngợi

Khen ngợi ai đó là việc không dễ, vì những người hướng ngoại thích được khen trong khi người hướng nội lại có thể nhìn thấu lời khen của bạn nếu như nó hơi quá mức thực tế. Tốt nhất hãy khen những gì tốt đẹp mà người kia có, hoặc những thứ như quần áo, đầu tóc... thay vì quá lời về những điều mà ngay cả bạn cũng không cho rằng lời mình nói là thật như chiều cao, cân nặng, vóc dáng... của người đó.

Chỉ cần một câu đơn giản như “Tôi thích kiểu tóc của bạn” cũng khiến người đối diện cảm thấy vui vẻ mà không tạo cảm giác bạn đang cố khen họ.

Nói về những vấn đề đơn giản

Bắt đầu từ những chủ đề gần gũi trong cuộc sống và dễ dàng trao đổi như nhà hàng nào có món ăn ngon hay môn thể thao nào đang được mọi người quan tâm..., sau đó nói về sở thích cá nhân như nhà hàng nào người kia thích đến, hoặc họ thích chơi hay xem môn thể thao nào...

Với những chủ đề đơn giản như vậy hai người sẽ trở nên tự nhiên hơn và có thể mở rộng câu chuyện của mình. Còn nếu đưa ra những câu hỏi như “Bạn nghĩ sao về chính sách của Donald Trump cho người nhập cư?” hoặc những chủ đề đòi hỏi kiến thức hiểu biết nhất định thì sẽ khiến cuộc hội thoại trở nên khó khăn hơn và câu chuyện giữa hai người càng thêm gượng gạo, vì thế hết sức tránh những chủ đề như thế này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm