pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 cách phòng ngừa sỏi thận
Mới đây, bác sĩ Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện, cho biết bác sĩ vừa phẫu thuật gắp sỏi cho một người phụ nữ 61 tuổi, quê Nghệ An. Bệnh nhân thể trạng gầy 30 kg, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả siêu âm, CT phát hiện viên sỏi to như củ gừng, dài 10 cm, hình ảnh phân nhánh phức tạp, trải dài trên ba đốt sống lưng.
"Trường hợp này không thể tán sỏi thông thường, buộc phải mổ mở. Sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi tốt", BS Trung nhận định.
Theo TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Tại Mỹ, khảo sát cho thấy có 7-10% người từng bị sỏi thận một lần trong đời mà không hề biết. Tỉ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới vào khoảng 3% dân số và khác nhau giữa các quốc gia.
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Tuổi mắc bệnh thường từ 30 đến 55 tuổi. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như ở nữ giới.
Theo BS Trung, có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp... Các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hóa, môi trường lao động, nhiễm trùng cũng gây sỏi thận. Ngoài ra, chế độ ăn quá mặn, lười uống nước, ít vận động gây ứ đọng nước tiểu là yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu của bệnh sỏi thận
Triệu chứng điển hình của sỏi thận là đau vùng hông lưng. Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu nhắt khó chịu.
Khi gặp triệu chứng này, người bệnh cần phải đến ngay cơ quan y tế, bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các biện pháp giảm cơn đau do sỏi thận, tuyệt đối không được tự ý thực hiện tại nhà.
Ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh rất mờ nhạt, không rõ ràng, bệnh nhân vẫn có thể làm việc bình thường. Nhiều người chủ quan không điều trị, tự dùng thuốc nam, đến khi nhập viện phát hiện nhiều viên sỏi, ảnh hưởng chức năng thận, buộc phải cắt bỏ.
Đối với những viên sỏi kích thước lớn, bác sĩ phải có biện pháp can thiệp như tán sỏi, phẫu thuật để loại bỏ.
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, các bác sĩ khuyên mọi người nên:
- Uống đủ nước (trên 2 lít/ngày).
- Tăng cường vận động: Nhảy dây là một lựa chọn rất tốt vì sỏi thận thường dính vào trong niêm mạc thận, khi vận động (nhất là nhảy dây) có thể rời ra và tăng cơ hội tự đào thải, nhất là những sỏi đài dưới.
- Hạn chế ăn đồ mặn và thức ăn ôi thiu do thực phẩm này có thể tạo thành sỏi.
- Khám tổng thể ít nhất một lần một năm. Những người đã phát hiện có sỏi nên đi khám thường xuyên nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp.