pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 dấu hiệu con bước vào giai đoạn nổi loạn và 3 điều cha mẹ tuyệt đối tránh
Sự thay đổi thái độ đột ngột ở con trẻ trong giai đoạn nổi loạn khiến không ít các bậc phụ huynh hoang mang. Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ chú trọng đến sức khỏe thể chất và kết quả học tập mà bỏ qua những thay đổi tâm lý, dẫn đến việc không nhận ra những thay đổi trong tình cảm của con.
Theo các chuyên gia, trẻ em thường bước vào "thời kỳ nổi loạn" là khoảng từ 13 đến 14 tuổi, và thời gian kéo dài thường từ 1 đến 3 năm.
4 dấu hiệu cho thấy trẻ đã bước vào "thời kỳ nổi loạn"
1. Đối đầu và từ chối cha mẹ
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của trẻ trong giai đoạn nổi loạn là thích thách thức quyền lực của cha mẹ, đối đầu với cha mẹ, thường sử dụng các phương pháp "nói ngược", "mâu thuẫn" để bày tỏ cảm xúc và ý kiến của mình.
Bạn đã bao giờ gặp trường hợp bạn nói 1 câu, con cãi lại tới 10 câu; bạn càng bảo con không được làm thì con lại càng làm, hoặc con từ chối đi chơi cùng cả nhà, thích đi tách riêng và vờ như không liên quan đến bạn chưa? Đó là những hành vi con đối đầu với cha mẹ trong giai đoạn này.
2. Con trẻ có những "sự tự tin bí ẩn"
Sau khi con bước vào giai đoạn nổi loạn, chúng sẽ không tìm đến bạn khi gặp khó khăn, thay vào đó, chúng cảm thấy suy nghĩ của bố mẹ là lạc hậu, cổ hủ, và cho rằng suy nghĩ của mình đúng hơn của bố mẹ.
Trẻ em ở độ tuổi 12 đến 16 tuổi đã có cái nhìn sơ bộ về cuộc sống xung quanh và giá trị của bản thân, chúng đã không còn là những đứa trẻ mà cả thế giới chỉ có ba mẹ.
Với ý thức độc lập ngày càng tăng, chúng sẽ tự cảm thấy bản thân đã trưởng thành và mong muốn được chứng minh cho cha mẹ thấy điều ấy, nhằm nhận được sự khẳng định và khen ngợi, cũng như có thể thoát khỏi sự kỷ luật của cha mẹ.
3. Lời nói của con xuất hiện từ "bẩn"
Thích chửi thề là một đặc điểm dễ nhận thấy khác của trẻ khi bước vào thời kỳ nổi loạn, và đó cũng là điều khiến cha mẹ đau đầu nhất.
Hành vi này của trẻ không hẳn xuất phát từ ý thích nói tục mà chúng chỉ muốn chứng minh mình không còn là trẻ con, muốn làm điều gì đó được cho là "chín chắn" nên cố tình bắt chước dáng vẻ, giọng điệu của người lớn. Chúng nghĩ trông chúng có vẻ rất "ngầu" khi làm vậy.
4. Thiếu kiên nhẫn và dễ nổi nóng
Một số trẻ cư xử như những con thú nhỏ bị nhốt trong lồng lâu ngày sắp được thả ra bắt đầu trở nên bồn chồn, đối mặt với cuộc trò chuyện của cha mẹ, chúng không những vô cùng sốt ruột xen ngang cuộc trò chuyện mà còn chọn cách bỏ đi giữa chừng.
Ngoài ra, nếu không được như ý muốn, chúng sẽ thể hiện thái độ chống đối rất rõ ràng, nếu cha mẹ cũng căng thẳng và dùng biện pháp cứng rắn với chúng, rất có thể sẽ xảy ra "hỗn chiến".
3 điều phụ huynh tuyệt đối không nên làm trong giai đoạn nổi loạn của con
1. Tránh đánh trẻ
Khi cha mẹ giáo dục con cái, đừng bao giờ đánh con và dội gáo nước lạnh vào con vì suy nghĩ của con còn non nớt, có thể xử lý sự việc hoặc quản lý cảm xúc của bản thân chưa tốt. Cha mẹ nên phân tích thiệt hơn cho con dưới góc độ bạn bè.
Sự chỉ trích của cha mẹ sẽ chỉ càng làm đứa trẻ tổn thương hơn, sự xa cách với ba mẹ ngày càng lớn, và càng muốn dùng việc nổi loạn để chứng minh bản thân không sai.
2. Tránh trực tiếp ra lệnh cho con trẻ
Một số phụ huynh cảm thấy con cái mình còn non nớt, luôn đứng dưới ngọn cờ "tốt cho con", không coi trọng ý kiến của con cái, trực tiếp ra lệnh, thậm chí nếu trẻ bày tỏ ý kiến không muốn thì buộc phải phục tùng.
Như mọi người đều biết, kiểu hành xử tùy tiện, thiếu tôn trọng này của cha mẹ càng ngày càng đẩy các con đi xa hơn. Thay vì nghe lời, các con sẽ càng muốn bảo vệ ý kiến của bản thân, dẫn đến tâm lý chống đối với cha mẹ ngày càng lớn.
Thay vì ra lệnh, bạn nên gợi ý cho con, tạo ra những cuộc nói chuyện, trao đổi với vai trò bình đẳng để hiểu con hơn, rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
3. Tránh cằn nhằn con trẻ quá nhiều
Mặc dù xuất phát điểm của những lời nói và cằn nhằn của cha mẹ là muốn tốt cho con, nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó cứ lẽo đẽo đi theo bạn mỗi ngày và cứ lặp đi lặp lại một điều? Nếu đặt mình vào trường hợp đó, chính bạn cũng cảm thấy khó chịu đúng không?
Vì vậy, khi giao tiếp với con cái, cha mẹ nên chú ý truyền đạt ý kiến của mình cho con một cách súc tích, rõ ràng, để tránh xảy ra những mâu thuẫn tiêu cực giữa cha mẹ và con cái.
Có một phương pháp được các chuyên gia khuyến khích các bậc phụ huynh sử dụng, đó là đề ra một lịch cố định để trò chuyện cùng con. Để con kể về những thứ con gặp phải, những việc đã xảy ra. Dù những điều con nói có ra sao, các bậc phụ huynh cũng nên lắng nghe cẩn thận và kiên nhẫn, không phán xét.
Sau đó cho con tự suy nghĩ tìm cách giải quyết, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò như người hướng dẫn, cho ý kiến của mình, quyết định vẫn là ở trẻ. Từ đó, dần dần xây dựng lòng tin cho trẻ, đồng thời rèn luyện được khả năng xử lý vấn đề và tính độc lập của trẻ.